Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd (trái) và Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis tham dự cuộc họp báo trước Hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức tại Bern vào ngày 10/6 (Ảnh: AFP)
Nga chưa được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine nhưng Chính phủ Thụy Sĩ cho biết hội nghị sẽ hướng tới "xác định một lộ trình" tìm cách đưa cả Moscow và Kiev vào một tiến trình hòa bình trong tương lai.
Thụy Sĩ tổ chức hội nghị trên theo đề nghị của Ukraine. Kiev hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với các điều kiện của nước này nhằm chấm dứt xung đột với Nga.
Ngày 7/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng hội nghị tại Thụy Sĩ "có thể trở thành một thể thức" giúp đem lại sự kết thúc cho cuộc xung đột này.
Chương trình nghị sự của hội nghị được Thụy Sĩ phát triển dựa theo kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine, tuy nhiên có thể tập trung vào chủ quyền lãnh thổ, nền hòa bình công bằng ở Ukraine và duy trì Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời xác định lộ trình về cách thức Moscow và Kiev tiến hành các cuộc hòa đàm trong tương lai.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết hội nghị sẽ thảo luận các lĩnh vực được quốc tế quan tâm rộng rãi như nhu cầu về an ninh hạt nhân và lương thực, tự do hàng hải, cũng như các vấn đề nhân đạo.
Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis (Ảnh: AFP)
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nêu rõ mục tiêu của hội nghị là "thúc đẩy một tiến trình hòa bình trong tương lai và phát triển những yếu tố thiết thực cũng như các bước hướng tới tiến trình đó". Bộ này cũng nhấn mạnh "tất cả các quốc gia tham dự hội nghị cần đóng góp ý kiến và tầm nhìn cho một nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine".
Không nằm trong danh sách tham dự sự kiện, Nga tuyên bố hội nghị về cuộc xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của Moscow sẽ không thể đạt được kết quả. Nga cho rằng Thụy Sĩ không còn ở vị trí trung lập và tuyên bố Moscow không quan tâm tham dự hội nghị trên.
Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine diễn ra ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) kết thúc ở miền Nam Italy, nơi lãnh đạo các nước G7 cũng sẽ thảo luận về tình hình xung đột ở Ukraine, đồng thời xem xét cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp viện trợ mới cho Kiev.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida là những nhà lãnh đạo G7 đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị sau đó.
Cùng với sự vắng mặt của Nga, Trung Quốc xác nhận sẽ không tham dự vì hội nghị không đáp ứng các yêu cầu của Bắc Kinh. Theo đó, hội nghị phải được cả Nga và Ukraine công nhận, cần có sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và cần thảo luận công bằng về tất cả các đề xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!