Hơn 108,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi dịch bệnh COVID-19 với trên 28,1 triệu ca mắc và hơn 495.100 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 55.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngày 13/2, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ban hành hướng dẫn mới để các trường học trên cả nước có thể mở cửa trở lại một cách an toàn. Theo đó, việc học trực tiếp có thể được tiến hành một cách an toàn với việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay khử khuẩn và tiêm phòng cho giáo viên và các nhân viên trong ngành giáo dục. Bên cạnh đó, CDC cũng nhấn mạnh, tất cả các trường ở Mỹ không bắt buộc phải mở cửa trở lại nếu thấy tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 10,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 155.600 trường hợp tử vong. Ngày 13/2, gần 12.200 ca nhiễm mới đã được báo cáo.
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc mới, như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này hiện vẫn là trên 9,7 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 237.600 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.
Nga là nước đứng đầu châu Âu về số ca mắc COVID-19 với trên 4 triệu trường hợp, trong đó có gần 79.700 người tử vong. Ngày 13/2, Nga xác nhận thêm hơn 14.800 ca mắc mới.
Nga vẫn là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/2 bày tỏ lạc quan rằng có thể thông báo nới lỏng một số biện pháp phong tỏa trong bối cảnh Chính phủ nước này đang tiến gần đến mục tiêu tiêm chủng cho 15 triệu người thuộc các nhóm ưu tiên. Theo đó, đến ngày 15/2, London sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả người từ 70 tuổi trở lên, những người dễ bị triệu chứng nặng, nhân viên y tế và xã hội tuyến đầu cùng người già trong các viện dưỡng lão. Thủ tướng Johnson khẳng định, vẫn cần phải thận trọng dù số ca nhiễm mới và nhập viện bắt đầu giảm. Dự kiến ông sẽ đề ra lộ trình nới lỏng phong tỏa vào ngày 22/2 tới. Ông cho biết vẫn đặt ưu tiên vào việc mở cửa lại trường học với hy vọng, học sinh có thể quay lại trường từ ngày 8/3.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock nói rằng, ông tin tưởng các cách điều trị mới và vaccine sẽ biến COVID-19 thành căn bệnh “chúng ta có thể sống chung như đã từng làm với bệnh cúm mùa”.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 13/2 cảnh báo về nguy cơ làn sóng thứ 4 của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này trong bối cảnh nhiều khu vực chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh. Phát biểu trên truyền hình, ông Rouhani cho biết, sau nhiều tuần duy trì mức báo động thấp trên khắp cả nước, một số thành phố thuộc tỉnh Khuzestan ở phía Tây Nam đang ở mức "đỏ", mức báo động cao nhất trong thang xếp hạng nguy cơ theo màu của Iran. Theo Tổng thống Iran, điều này cho thấy, Iran đang chuẩn bị bước vào làn sóng thứ 4.
Tình hình dịch bệnh tại châu Á phức tạp hơn với loạt nước ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày. Cụ thể, Indonesia ghi nhận trên 8.800 trường hợp lây nhiễm mới và 280 ca tử vong. Như vậy, đến nay, trên 1,2 triệu người đã mắc COVID-19 tại Indonesia, bao gồm hơn 32.900 trường hợp thiệt mạng.
Malaysia ghi nhận gần 3.500 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 261.800 trường hợp, bao gồm 958 bệnh nhân tử vong.
Ngày 13/2, Malaysia ghi nhận gần 3.500 ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội xuống một mức đối với toàn bộ vùng thủ đô Seoul và các khu vực khác kể từ tuần tới. Tuy nhiên, Chính phủ nước này vẫn giữ nguyên quy định cấm tụ tập từ 5 người trở lên. Cụ thể, kể từ ngày 15/2, Hàn Quốc sẽ giảm mức giãn cách xã hội xuống mức 2 trong hệ thống 5 mức đối với vùng thủ đô Seoul, còn với các khu vực khác là từ ngày 28/2. Giới chức y tế Hàn Quốc cũng giảm mức hạn chế đối với nhà hàng, quán cà phê, phòng tập thể hình và các cơ sở công cộng khác tại vùng đô thị Seoul, cho phép những cơ sở này được hoạt động kéo dài thêm 1 giờ đồng hồ, tới 22h hàng ngày.
Ngày 13/2, hãng tin AFP dẫn số liệu thống kê của giới chức chuyên môn cho thấy, tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đang có xu hướng giảm. Số ca mắc mới ghi nhận trong 1 tháng qua đã giảm gần một nửa và tiếp tục đà giảm trong tuần này.
Cụ thể, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và được duy trì lâu nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát hồi đầu năm 2020. Tính riêng trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm với mức trung bình trên toàn thế giới là 412.700 ca/ngày, giảm gần một nửa so với mức kỷ lục theo ngày được ghi nhận trong tuần đầu của tháng 1/2021 là 743.000 ca. Như vậy, số ca mắc mới hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc trường Đại học Tổng hợp Geneve (Thụy Sĩ), nhà dịch tễ học Antoine Flahault cho rằng: "Dù ít hay nhiều, ở mọi nơi trên thế giới đều ghi nhận mức giảm khá nhiều về dịch bệnh".
Hai quốc gia có mức giảm mạnh nhất trong tuần này là Bồ Đào Nha (giảm 54%) và Israel (giảm 39%). Israel tự hào là nước có chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới với 44% dân số đã được tiêm một liều và 28% được tiêm đủ hai liều. Tây Ban Nha là nước có tỷ lệ giảm lớn thứ ba với 39%, tiếp theo là Nam Phi với 37%, Colombia và Nhật Bản cùng 35%. Một số nước có số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng, nhiều nhất tại Iraq tăng 81% mỗi ngày, tiếp theo là Jordan với 34%, Hy Lạp 29%, Ecuador 21% và Hungary 16%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!