Đây là cảnh báo của các tạp chí y tế trên toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với đại dịch COVID-19.
Một bài xã luận được đăng trên hơn 220 tạp chí y tế hàng đầu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào tháng 11 cho biết: "Sức khỏe con người đang bị tổn hại bởi tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu và sự tàn phá thế giới tự nhiên".
Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ Trái đất đã tăng khoảng 1,1°C (34 độ F).
Bài xã luận, được viết bởi các tổng biên tập của hơn 10 tạp chí y khoa gồm The Lancet, Tạp chí Y khoa Đông Phi, Revista de Saude Publica của Brazil, Tạp chí Điều dưỡng Quốc tế, cho biết, điều này đã gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe: "Trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng ở những người trên 65 tuổi đã tăng hơn 50%. Nhiệt độ cao hơn đã làm gia tăng tình trạng mất nước và suy giảm chức năng thận, tăng số lượng bệnh nhân mắc ung thư da, bệnh nhiễm trùng nhiệt đới, kết quả xấu về sức khỏe tâm thần, biến chứng thai kỳ, dị ứng, bệnh tim mạch, phổi và số ca tử vong".
Đầm phá Suesca, ở Suesca, Colombia cạn khô vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng cũng như nạn phá rừng và xói mòn. (Ảnh: AP)
Báo cáo cũng chỉ ra tình trạng sụt giảm trong sản xuất nông nghiệp, gây "cản trở nỗ lực giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng".
Những tác động này ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người dễ bị tổn thương nhất như nhóm dân tộc thiểu số, trẻ em và các cộng đồng nghèo hơn và đây mới chỉ là bước khởi đầu, báo cáo cảnh báo.
Theo dự báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, vào khoảng năm 2030, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể lên tới +1,5°C so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Cùng với việc tiếp tục mất đa dạng sinh học, nguy cơ thảm họa gây hại cho sức khỏe sẽ không thể đảo ngược, bài xã luận cảnh báo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!