Thông tin trên được công ty tư vấn kỹ thuật số Kepios đưa ra trong báo cáo hàng quý được công bố vào ngày 20/7.
Theo Kepios, số người dùng mạng xã hội đã tăng tới 3,7% trong một năm qua. Tuy nhiên, có sự chênh lệch về tỷ lệ sử dụng giữa các khu vực. Ở Đông và Trung Phi, tỷ lệ hoạt động trên mạng xã hội chiếm 9%, trong khi ở Ấn Độ, hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội là 33%.
Thời lượng dành cho mạng xã hội trong năm qua đã tăng 2 phút mỗi ngày, lên 2 giờ 26 phút. Thời gian sử dụng mạng xã hội có sự khác biệt lớn giữa các nước. Cụ thể, mỗi ngày người dân Brazil dành trung bình 3 giờ 49 phút trên mạng xã hội, trong khi con số này ở Nhật Bản là chưa đầy 1 giờ.
Người dùng mạng xã hội chủ yếu tập trung trên 7 nền tảng. (Ảnh: Shutterstock)
Cũng theo báo cáo của Kepios, người dùng mạng xã hội chủ yếu tập trung trên 7 nền tảng. Meta có 3 ứng dụng được yêu thích gồm WhatsApp, Instagram và Facebook, trong khi Trung Quốc có 3 ứng dụng gồm WeChat, TikTok và Douyin phiên bản địa phương. Twitter, Messenger và Telegram là những nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu thế giới.
Ngày 30/11/2022, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên hợp quốc đã đưa ra ước tính về tỷ lệ dân số sở hữu điện thoại di động của các khu vực và toàn cầu. ITU cho biết, vào năm 2022, khoảng 73% dân số trên 10 tuổi của thế giới có ít nhất một chiếc điện thoại di động.
Điện thoại di động là công cụ quan trọng để kết nối với mạng internet, nên tỷ lệ sở hữu điện thoại di động cũng là dấu hiệu quan trọng để đánh giá độ bao phủ mạng Internet và khả năng hòa mạng. Tuy nhiên, ITU cũng lưu ý, tỷ lệ sở hữu điện thoại di dộng vẫn cao hơn tỷ lệ sử dụng Internet, đặc biệt là ở những nước thu nhập thấp hơn.
Theo nhà kinh tế cao cấp của ITU Thierry Geiger, tỷ lệ dân số hòa mạng Internet cũng chứng kiến một “cú hích” lớn trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!