Hơn 9,3 triệu dân ở Syria không có đủ tiền mua lương thực. (Ảnh: AP)
Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 26/6 tại Geneve, Thụy Sĩ, người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, số người thường xuyên bị đói tại Syria đã tăng khoảng 1,4 triệu người trong 6 tháng qua.
Giá lương thực tại Syria tăng hơn 200% trong chưa đầy 1 năm do nền kinh tế "rơi tự do" và các biện pháp phong tỏa mà Chính phủ Syria áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.
Hơn 90% dân số Syria có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Syria cho biết, sau 9 năm xung đột vũ trang, hơn 90% dân số Syria sống dưới ngưỡng nghèo đói với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày (khoảng 50.000 đồng). Do đó, Syria rất cần được viện trợ nhân đạo.
Chưa tới một nửa số bệnh viện công ở nước này còn hoạt động khi có tới 50% nhân viên y tế đã đi lánh nạn ngay từ khi cuộc xung đột bắt đầu, trong khi những người còn lại đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc hoặc sát hại.
Người dân Syria đang rất cần được viện trợ nhân đạo. (Ảnh: AP)
Giới chức Syria thông báo, đến nay nước này có 248 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5 ca tử vong tại những khu vực do Chính phủ kiểm soát. Tại khu vực miền Đông Bắc nước này do chính quyền người Kurd lãnh đạo, có 5 ca nhiễm và 1 ca tử vong.
Theo WHO, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Dịch COVID-19 tại Syria được cho là xảy ra tương tự như ở Iraq, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, ban đầu bùng phát với tốc độ chậm, sau tăng mạnh lên.
Khu vực Tây Bắc Syria do lực lượng nổi dậy kiểm soát không ghi nhận ca nhiễm nào. Tuy nhiên, khu vực đông dân này chỉ có một phòng thí nghiệm còn hoạt động và virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây lan với tốc độ nhanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!