Các nhà khoa học cảnh báo hơn một nửa dân số thế giới có thể có nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền như sốt rét và sốt xuất huyết vào cuối thế kỷ 21. Theo các chuyên gia, nhiệt độ Trái đất nóng lên do biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân khiến các đợt bùng phát do muỗi truyền lan sang các vùng phía Bắc châu Âu và các khu vực khác trên thế giới trong vài thập kỷ tới.
Số ca mắc sốt rét nhập cảnh vào Anh ghi nhận mức cao nhất trong hơn 20 năm qua. Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết có 2.004 trường hợp mắc bệnh sốt rét được xác nhận tại Anh, Wales và Bắc Ireland vào năm 2023, so với 1.369 trường hợp vào năm 2022.
Trên toàn cầu, số ca mắc sốt xuất huyết được báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, từ 500.000 ca vào năm 2000 lên hơn 5 triệu ca vào năm 2019.
Thêm vào đó, muỗi mang virus sốt xuất huyết đã xâm nhập 13 quốc gia châu Âu kể từ năm 2000, với sự lây lan cục bộ của dịch bệnh được ghi nhận ở Pháp, Italy và Tây Ban Nha vào năm 2023.
Giáo sư Rachel Lowe từ Viện nghiên cứu Catalan ở Tây Ban Nha cho biết: “Sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu khiến muỗi - vật trung gian truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết - có thể sinh sôi ở nhiều vùng hơn, với các đợt bùng phát xảy ra ở những khu vực có khả năng miễn dịch kém và hệ thống y tế không sẵn sàng”.
Bà cũng cho biết thêm: “Thực tế khắc nghiệt là mùa nóng kéo dài hơn sẽ mở rộng sự lây lan của các bệnh do muỗi truyền và tạo điều kiện cho các đợt bùng phát ngày càng thường xuyên hơn, phức tạp hơn để đối phó”.
Các nhà nghiên cứu cho biết nếu có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1oC, số người có nguy cơ mắc sốt rét và sốt xuất huyết có thể tăng thêm 2,4 tỷ người vào năm 2100, so với giai đoạn 1970 - 1999. Nhưng họ cũng dự đoán rằng nếu lượng khí thải Carbon và dân số tiếp tục tăng, 4,7 tỷ người có thể bị ảnh hưởng bởi sốt rét và sốt xuất huyết vào cuối thế kỷ này.
Giáo sư Lowe nói thêm: “Chúng ta phải lường trước các đợt bùng phát và có động thái can thiệp sớm để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra ngay từ đầu”.
Các nhà nghiên cứu hiện đang phát triển các cách để dự đoán thời gian và địa điểm dịch bệnh có thể xảy ra bằng cách sử dụng dữ liệu giám sát dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Những phát hiện này đã được trình bày tại Đại hội toàn cầu ESCMID ở Barcelona, Tây Ban Nha.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!