Khu vực thành cổ Acropolis, một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất Hy Lạp, sẽ bị đóng cửa trong khoảng thời gian từ giữa trưa đến 5h chiều. Tất cả các địa điểm khảo cổ khác ở thủ đô cũng thực hiện quy đình này trong khung giờ trên nhằm tránh cho du khách bị ảnh hưởng bởi nắng nóng.
Các trường học ở một số vùng trên cả nước cũng được lệnh tương tự trong 2 ngày qua do nhiệt độ một số nơi vượt quá 43oC.
"Đợt nắng nóng này sẽ đi vào lịch sử", Panos Giannopoulos - nhà khí tượng học truyền hình nhà nước Hy Lạp, cho biết trong buổi phát sóng trên truyền hình hôm 12/6. Ông Giannopoulos nói: "Chúng ta đã từng có một số đợt nắng nóng cực độ trong thế kỷ 21 nhưng không có đợt nào khắc nghiệt như lần này".
Hy Lạp đang trải qua đợt nắng nóng lịch sử (Ảnh: AP)
Bộ Lao động Hy Lạp đã khuyến cáo nhân viên khu vực công nên làm việc tại nhà. Cơ quan giao thông công cộng đã cho mở cửa một hội trường có trang bị điều hòa tại một ga tàu điện ngầm ở trung tâm Athens để người dân có thể đến tránh nóng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các đợt nắng nóng và thời tiết cực đoan kéo dài trong vài ngày có thể tác động đáng kể đến xã hội, bao gồm cả sự gia tăng số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ.
Theo cơ quan này, các đợt nắng nóng là một trong những mối đe dọa tự nhiên nguy hiểm nhất nhưng hiếm khi nhận được sự quan tâm đúng mức vì số người chết và sự tàn phá của chúng không phải lúc nào cũng thể hiện rõ ràng ngay lập tức.
Theo WHO, từ năm 1998 - 2017, hơn 166.000 người đã chết vì nắng nóng, trong đó có hơn 70.000 người chết trong đợt nhiệt độ tăng bất thường ở châu Âu năm 2003.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!