Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đề nghị hỗ trợ tăng cường năng lực hạt nhân của Nhật Bản vào thời điểm nước này đang tìm cách thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân.
Theo kế hoạch, ông Grossi sẽ đến thăm nhà máy điện hạt nhân Fukushima để kiểm tra việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy này, cũng như gặp gỡ ngư dân và đại diện địa phương.
Vào năm 2023, Nhật Bản đã nhận được sự phê chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Sau 2 năm đánh giá, IAEA cho biết, kế hoạch của Nhật Bản nhằm xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm trong tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Theo IAEA, việc xả thải này sẽ gây "tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường".
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi nói ông sẽ tìm cách xoa dịu những lo ngại và bố trí nhân viên IAEA tại nhà máy Fukushima để giám sát việc xả thải. "Chúng tôi phải thừa nhận rằng một việc như thế này chưa từng xảy ra trước đó", ông Grossi cho biết.
Nhật Bản có kế hoạch xả nước thải từ khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Ước tính 1,3 triệu m3 nước (đủ để bơm đầy 500 bể bơi Olympic) đã được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu tại nhà máy Fukushima sau khi nó bị hư hại bởi trận động đất và sóng thần vào năm 2011.
Các hiệp hội đánh bắt cá ở Nhật Bản từ lâu đã phản đối kế hoạch này vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực khôi phục danh tiếng sau khi một số nước cấm một vài thực phẩm của Nhật Bản sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011.
Một số quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, cũng không ủng hộ kế hoạch xả thải của Tokyo.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết: "Nhật Bản sẽ tiếp tục giải thích cho người dân và cộng đồng quốc tế một cách minh bạch dựa trên các bằng chứng khoa học".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!