Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi với các bồn chứa nước thải phóng xạ. (Ảnh: AP)
Đây được coi là một động thái gây tranh cãi dẫn đến việc Trung Quốc cấm hải sản Nhật Bản.
Video quay trực tiếp từ phòng điều khiển tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cho thấy, một nhân viên bật máy bơm nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra biển chỉ bằng một cú nhấp chuột, đánh dấu sự khởi đầu của kế hoạch gây tranh cãi dự kiến sẽ kéo dài hàng thập kỷ.
TEPCO sau đó xác nhận rằng máy bơm nước thải ra biển đã được kích hoạt lúc 13h03 ngày 24/8 (giờ địa phương, tức 16h03 theo giờ GMT). Giám đốc điều hành TEPCO Junichi Matsumoto thông tin, việc xả nước thải hôm 24/8 đã được lên kế hoạch bắt đầu với quy mô nhỏ để đảm bảo an toàn.
Nước thải phóng xạ được lưu trữ trong khoảng 1.000 bể chứa. (Ảnh: AP)
Theo đó, TEPCO sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h/ngày kể từ ngày 24/8. Nhân viên TEPCO lấy mẫu nước và cá sau đó để phân tích, dự kiến công bố kết quả "sớm nhất vào ngày 25/8".
TEPCO cho biết, một máy bơm xả nước thải bổ sung đã được kích hoạt 20 phút sau lần bơm đầu tiên. Theo lãnh đạo nhà máy Fukushima, cho đến nay, mọi việc đang diễn ra suôn sẻ.
Ngư dân Nhật Bản đã phản đối kế hoạch xả nước thải phóng xạ trên vì lo ngại việc này sẽ gây tổn hại thêm danh tiếng hải sản của họ. Các nhóm ở Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đưa ra quan ngại, biến nó trở thành một vấn đề chính trị và ngoại giao.
Các nhà hoạt động môi trường phản đối Nhật Bản xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/8. (Ảnh: AP)
Để đáp trả việc Nhật Bản xả nước thải phóng xạ ra biển, Trung Quốc đã cấm hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản, theo tuyên bố của cơ quan hải quan Trung Quốc hôm 24/8. Theo thông báo, lệnh cấm hải sản Nhật Bản có hiệu lực ngay lập tức và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản, bao gồm cả hải sản.
Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết, họ sẽ "linh hoạt điều chỉnh các biện pháp quản lý liên quan một cách phù hợp để ngăn chặn nguy cơ nước thải nhiễm phóng xạ (ảnh hưởng) đối với sức khỏe và an toàn thực phẩm của đất nước chúng ta".
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản và TEPCO khẳng định, nước thải phóng xạ phải được xả ra biển để nhà máy Fukushima tiếp tục ngừng hoạt động và ngăn ngừa tình trạng rò rỉ ngẫu nhiên. Họ cho rằng việc xử lý và pha loãng sẽ làm cho nước thải an toàn hơn tiêu chuẩn quốc tế và tác động môi trường của nó sẽ là không đáng kể.
Tony Hooker, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục, Đổi mới Bức xạ tại Đại học Adelaide, khẳng định, nước thải ra từ nhà máy Fukushima là an toàn: "Nó chắc chắn thấp hơn nhiều so với hướng dẫn về nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới. Nó an toàn".
Việc xả nước thải sẽ được bắt đầu với quy mô nhỏ để đảm bảo an toàn. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng tác động lâu dài của chất phóng xạ nồng độ thấp còn sót lại trong nước cần được chú ý.
Trong một tuyên bố hôm 24/8, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi xác nhận: "Các chuyên gia của IAEA đã có mặt tại hiện trường với vai trò là quan sát viên của cộng đồng quốc tế và đảm bảo rằng việc xả nước thải được thực hiện theo kế hoạch phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn của IAEA".
IAEA cho biết, cơ quan này sẽ ra mắt một trang web để cung cấp dữ liệu trực tiếp về vụ xả thải và lặp lại cam kết rằng IAEA sẽ có mặt tại chỗ trong suốt thời gian xả nước thải.
Việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý bắt đầu diễn ra hơn 12 năm sau vụ nổ hạt nhân vào tháng 3/2011 do trận động đất và sóng thần lớn gây ra. Nước thải phóng xạ được thu gom và tái chế một phần dưới dạng nước làm mát sau khi xử lý, phần còn lại được lưu trữ trong khoảng 1.000 bể chứa, hiện đã lấp đầy 98% công suất 1,37 triệu tấn. Những bể chứa nước này chiếm phần lớn diện tích khu phức hợp nhà máy Fukushima và phải được giải phóng để xây dựng cơ sở vật chất mới cần thiết cho quá trình ngừng hoạt động của nhà máy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!