Theo Trưởng Ban Điều phối đầu tư (BKPM), Bahlil Lahadalia, hoạt động tìm kiếm cổ vật là một trong 14 lĩnh vực kinh doanh được Chính phủ Indonesia cấp phép theo Luật Omnibus (đạo luật gồm nhiều nội dung) về tạo việc làm.
Phát biểu trong buổi họp báo trực tuyến hôm 3/3, ông Bahlil cho biết, một trong 14 lĩnh vực kinh doanh vừa được mở là khai quật các đồ vật có giá trị từ xác tàu đắm. Dù vậy, hoạt động tìm kiếm kho báu nói trên phải tuân thủ một số điều kiện, trong đó có việc xin giấy phép chính thức từ Chính phủ Indonesia thông qua BKPM.
Một trong 14 lĩnh vực kinh doanh vừa được mở là khai quật các đồ vật có giá trị từ xác tàu đắm. (Ảnh: Fox News)
Theo Hiệp hội các công ty trục vớt và sử dụng hàng hóa trên tàu đắm Indonesia (APPP-BMKTI), “quốc gia vạn đảo” này có tổng cộng 464 địa điểm có tiềm năng khai thác cổ vật. Đó là từ xác các tàu buôn Trung Quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Nhật Bản và một số nước khác bị đắm trong khoảng thời gian từ thế kỷ 7 đến cuối thế kỷ 19 tại khu vực này.
Tổng Thư ký APPP-BMKTI, ông Harry Satrio, cho biết trong số 464 địa điểm nói trên, 60% phân bố tại vùng biển của tỉnh Quần đảo Riau từng án ngữ trên tuyến đường tơ lụa cổ xưa, 30% ở biển Java, phần còn lại ở vùng biển quanh các đảo Sulawesi và Halmahera.
Giá trị tiềm năng của các kho báu dưới biển này lên tới 181.690 tỷ Rupiah (khoảng gần 13 tỷ USD).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!