Hơn 241,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 45,78 triệu ca mắc và hơn 744.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 12.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 17/10, nước này ghi nhận hơn 14.200 ca mắc mới COVID-19 và 165 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 452.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 603.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,6 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Cơ quan phòng chống COVID-19 của Nga cho biết, khoảng 45% người Nga trưởng thành đã có kháng thể sau khi được tiêm phòng hoặc đã nhiễm bệnh. Nga đã bổ sung thêm mục dữ liệu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của người dân và bản đồ nhiệt tình hình dịch tễ ở các khu vực của nước này trên cổng thông tin stopkoronavirus.rf.
Theo số liệu thống kê, hiện đã có hơn 51 triệu người trưởng thành trong tổng số 144 triệu dân của Nga đã được tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19, 47,5 triệu người được tiêm đủ hai liều vaccine hoặc một mũi Sputnik Light. Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho rằng, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cần ở mức 80% để đảm bảo khả năng bảo vệ người dân trước đại dịch COVID-19. Tỷ lệ người dân Moscow có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 là 61%.
Với 34.303 ca mắc mới trong ngày 17/10, con số cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Nga, tổng số người nhiễm COVID-19 ở nước này hiện đã lên tới trên 7,99 triệu trường hợp. Số người thiệt mạng vì COVID-19 cũng tăng 997 ca, gần chạm mốc cao nhất 1.002 ca ghi nhận trước đó một ngày, lên tổng số 223.312 bệnh nhân, cao nhất "lục địa già".
Thủ đô Moscow, nơi có số nhiễm và tử vong cao hơn nhiều so với các địa phương khác, chính quyền đang xem xét các biện pháp triệt để hơn, trong đó cả khả năng sử dụng lại mã QR tại các nơi công cộng.
Theo các chuyên gia, sự lây lan mạnh của biến thể Delta trong khi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp khiến người Nga đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 nguy hiểm hơn những lần trước. Nhiều khu vực ở Nga đang tăng cường yêu cầu tiêm chủng bắt buộc
Thành phố Melbourne thuộc bang Victoria, Australia, thành phố phong tỏa lâu nhất thế giới, sẽ dỡ bỏ dần các hạn chế bắt đầu từ ngày 22/10. Tính đến nay, thành phố Melbourne đã phong tỏa nghiêm ngặt trong gần 9 tháng. Giới chức bang Victoria cho biết, vào tuần sau, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của bang sẽ đạt 70%. Điều này cho phép các biện pháp hạn chế có thể được nới lỏng.
Các dịch vụ nhà hàng, khách sạn sẽ được mở lại, nhưng sẽ bị giới hạn chặt chẽ số lượng người đến. Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng sẽ được dỡ bỏ. Dự kiến, đến cuối tháng 10, khi tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi ở bang Victoria đạt mức 80%, sẽ có thêm các hạn chế được nới lỏng.
Melbourne, thành phố phong tỏa chống dịch lâu nhất thế giới, sẽ dỡ bỏ dần các hạn chế bắt đầu từ ngày 22/10.(Ảnh: AP)
Argentina đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 3-11 tuổi. Kế hoạch đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm, lương thực và công nghệ y tế Argentina cấp phép triển khai hồi đầu tháng 10. Chương trình tiêm chủng cho trẻ em được triển khai đồng thời tại tất cả các địa phương trên cả nước. Đây sẽ là cơ sở để Argentina hướng tới mục tiêu hoàn tất phác đồ tiêm vaccine cho người dân trước cuối năm nay.
Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ Argentina đã phân phối cho các địa phương hơn 2 triệu liều vaccine của Sinopharm, loại đã được cấp phép sử dụng cho trẻ em trong độ tuổi trên. Ngoài ra, Argentina vẫn còn trong kho dự trữ 9 triệu liều vaccine loại này để sử dụng cho trẻ em. Cùng với đó, Chính phủ Argentina cũng phân phối 1,6 triệu liều vaccine của Pfizer để tiếp tục chương trình tiêm chủng cho trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên.
Cuba đang xem xét việc tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 2 tuổi. Đến nay, Cuba là nước đầu tiên trên thế giới tiêm chủng hàng loạt cho trẻ em và thiếu niên từ 2 đến 18 tuổi, với liệu trình hai mũi Soberana 2 và một mũi Soberana Plus. Cả hai loại vaccine này đều được phát triển bởi viện Finlay, với hiệu quả phòng COVID-19 đạt 91,2%. Kết quả này là cơ sở để Cuba xem xét thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 2 tuổi. Bộ trưởng Bộ Y tế Cuba cho biết, Cuba sẽ là nước đầu tiên trên thế giới nối lại việc cho trẻ em đến trường với toàn bộ học sinh được tiêm chủng trong thời gian tới.
Chính phủ Indonesia đang tăng cường chiến lược để ngăn chặn nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 xảy ra vào cuối năm 2021, thời điểm hoạt động đi lại của người dân gia tăng trong dịp Giáng sinh và năm mới. Sáu chiến lược đã được thực hiện tại Indonesia dựa trên kinh nghiệm trong việc giảm thiểu các trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian qua gồm kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực khi các hoạt động cộng đồng được nới lỏng; tăng cường khả năng tiêm chủng của nhóm người cao tuổi; khuyến khích đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ em; cùng với việc mở cửa các chuyến bay quốc tế, Chính phủ nước này cam kết kiểm soát sự di chuyển của du khách quốc tế với các thủ tục nghiêm ngặt; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc giám sát các hoạt động; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp sức khỏe cộng đồng trong mọi tình hình.
Trong những đợt dịch trước, nhiều ổ dịch đã xuất hiện sau các đợt nghỉ lễ của Indonesia, vì vậy cần hết sức thận trọng trong thời điểm cuối năm này.
Tại Philippines, 6.913 ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận trong ngày 17/10, đưa tổng số người nhiễm ở nước này lên hơn 2,7 triệu trường hợp, trong đó 40.675 bệnh nhân không qua khỏi. Số ca mắc mới tại Philippines đã giảm dưới 8.000 ca/ngày kể từ hôm 13/10 vừa qua, nhưng Bộ Y tế nước này vẫn khuyến cáo người dân không lơ là và tuân thủ các quy định phòng dịch để ngăn chặn một làn sóng lây nhiễm mới.
Trước đó, Philippines ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay vào ngày 11/9 với 26.303 người. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020, Philippines đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hơn 20,5 triệu người trong tổng dân số khoảng 110 triệu người.
Ngày 17/10, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 296 ca mắc mới và 2 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 32.029 người, trong đó có 40 bệnh nhân tử vong. Trong số các ca mắc mới, có tới 283 trường hợp cộng đồng tại 10 tỉnh thành, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay.
Thủ đô Vientiane quay lại đứng đầu cả nước về số ca lây nhiễm cộng đồng khi ghi nhận 105 trường hợp trong một ngày. Như vậy, số ca mắc COVID-19 mới tại Lào có chiều hướng giảm so với những ngày trước đó. Đáng chú ý, hai trường hợp tử vong mới tại nước này đều có bệnh lý nền và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Campuchia sẽ mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. (Ảnh: AP)
Trong lúc này, Campuchia đang có các bước đi để tiến tới mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế. Ủy ban Liên Bộ về phòng chống dịch COVID-19 Campuchia đã sửa đổi quy định giảm thời gian cách ly đối với công dân nước này và người nước ngoài đã tiêm đầy đủ vaccine, đặc biệt là đối với quan chức, ngoại giao đoàn và các nhà đầu tư. Thời gian cách ly giảm xuống chỉ còn 3 ngày.
Quyết định này dự kiến sẽ bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 18/10 tới đây. Cụ thể đối với các quan chức kết thúc chuyến công tác nước ngoài, các nhà ngoại giao và quan chức quốc tế chỉ phải cách ly tập trung 3 ngày. Thời gian này cũng áp dụng đối với các nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia nước ngoài nếu có thư mời hoặc thư đảm bảo khi nhập cảnh vào Campuchia. Còn đối với dân thường và du khách quốc tế đã tiêm đủ vaccine, thời gian cách ly là 7 ngày, nếu chưa tiêm vaccine, thời gian cách ly sẽ kéo dài 14 ngày. Tất cả phải có giấy xác nhận không nhiễm COVID 19 trong thời gian 72 giờ.
Theo đánh giá của Bộ Y tế Campuchia, sau kỳ nghỉ lễ Pchum Ben 3 ngày từ ngày 5-7/10 vừa qua, số ca mắc COVID-19 tại nước này không tăng, đây cơ sở để nước này mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Mới đây, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã nới lỏng số người tụ tập đến 50 người thay vì chỉ 15 người như trước.
Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, ngày 17/10, nước này chỉ ghi nhận 258 ca nhiễm COVID-19 mới và 24 trường hợp tử vong. Đây là ngày thứ 16 liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 300 ca mỗi ngày.
Một số loại vaccine ngừa COVID-19 vẫn có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ sau 8 tháng thay vì 46 tháng sau tiêm như các khảo sát trước đây. Đây là kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học Israel dựa trên phân tích mẫu máu của những người được tiêm vaccine của các hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson của Mỹ.
Nhóm nghiên cứu của Israel đã tiến hành so sánh các phản ứng kháng thể của 3 loại vaccine trên cũng như các tế bào T, một phần quan trọng của hệ miễn dịch và có thể bảo vệ cơ thể lâu dài ngay cả khi các kháng thể mất dần. Kết quả là 8 tháng sau khi tiêm 3 loại vaccine trên, các phản ứng của tế bào T tương đối ổn định, giúp các vaccine này có khả năng ngăn ngừa tốt tình trạng bệnh nặng, cũng như tạo ra sự bảo vệ lâu dài.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt trong cách vaccine tạo ra kháng thể. Theo đó, vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna tạo ra lượng kháng thể tăng đột biến, sau đó giảm đi nhanh chóng. Trong khi kháng thể có được từ vaccine Johnson & Johnson bắt đầu ở mức thấp hơn nhưng vẫn ổn định hơn theo thời gian. Vaccine của hai hãng trên dựa trên công nghệ mRNA, trong khi của Johnson & Johnson sử dụng công nghệ vector virus.
Ủy ban Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington D.C. (Mỹ) đã có cuộc họp với công ty dược Pfizer nhằm giúp tìm ra các hình thức hợp tác phù hợp giữa các nước ASEAN và Pfizer để ứng phó với đại dịch.
Giám đốc Cấp cao về chính sách thương mại của Pfizer, ông Stephen Clayes, cho biết, hãng sẽ đẩy mạnh cung cấp vaccine cho các nước ASEAN và hỗ trợ một số nước trong khối nâng cao nhận thức về vaccine. Pfizer cũng cam kết tạo sự tiếp cận bình đẳng với giá cả hợp lý cho tất cả mọi người. Hãng Pfizer dự kiến sẽ cung cấp 3 tỷ liều vaccine cho các nước trên thế giới trong năm 2021 và 4 tỷ liều vaccine trong năm 2022, trong đó bao gồm các nước ASEAN.
Đại diện của các nước ASEAN nêu quan điểm về việc Pfizer nên xây dựng cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á, khuyến nghị về sự hợp tác ba bên giữa Pfizer, ASEAN và chính quyền Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!