Iran công bố ra mắt vũ khí mới tại lễ diễu hành quân sự ở thủ đô Tehran, ngày 21/9. (Ảnh: Getty Images)
Tại cuộc diễu hành thường niên ở thủ đô Tehran kỷ niệm cuộc chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988) có sự tham gia của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian, Iran đã công bố hai loại vũ khí mới trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.
Trong đó, tên lửa Jihad nhiên liệu rắn được thiết kế và sản xuất bởi nhánh hàng không vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, có tầm hoạt động 1.000 km. Máy bay không người lái Shahed-136B là phiên bản nâng cấp của Shahed-136, với các tính năng mới và tầm hoạt động hơn 4.000 km.
"Ngày nay, năng lực phòng thủ và răn đe của chúng ta đã phát triển đến mức không một kẻ thù nào nào nghĩ đến bất kỳ hành động xâm lược đối với Iran thân yêu của chúng ta", Tổng thống Masoud Pezeshkian nhấn mạnh.
"Với sự đoàn kết và gắn kết giữa các quốc gia Hồi giáo, chúng ta có thể đối đầu với Israel, kẻ thù không thương xót bất kỳ ai, phụ nữ hay trẻ em, già hay trẻ", ông nói.
Ngày 14/9, Iran tuyên bố phóng vệ tinh thành công bằng tên lửa “made in Tehran” (Ảnh: AP)
Trước đó, ngày 14/9, Iran tuyên bố phóng vệ tinh thành công bằng tên lửa "made in Tehran". Vụ phóng vệ tinh và ra mắt vũ khí mới của Iran vừa qua diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, khi Iran đe dọa thực hiện các vụ trả đũa quân sự với Israel liên quan đến vụ ám sát thủ lĩnh Hamas trên lãnh thổ nước này.
Nguy cơ chạy đua vũ trang ở Trung Đông
Trung Đông đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi nhóm chiến binh Palestine do Iran hậu thuẫn Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023, thổi bùng cuộc chiến ở Gaza và lôi kéo các đồng minh Iran trong khu vực vào cuộc.
Căng thẳng càng dâng cao trong những ngày gần đây khi trọng tâm hỏa lực của Israel chuyển hướng về phía Bắc đến biên giới Lebanon, nơi quân đội của họ đang chiến đấu với nhóm chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn.
Một nguồn tin thân cận với nhóm này cho biết một cuộc không kích của Israel vào thủ đô Beirut hôm 20/9 đã giết chết 16 thành viên của Lực lượng Radwan tinh nhuệ của nhóm Hezbollah, ngay sau các cuộc tấn công phá hoại chết người vào hệ thống liên lạc gây chấn động Lebanon vào đầu tuần vừa qua.
Đầu tháng này, Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran, cáo buộc nước này cung cấp tên lửa đạn đạo cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Với những mối quan hệ địa chính trị phức tạp ở Trung Đông trong nhiều năm qua, không khó để hình dung các quốc gia khác cũng sẽ không chịu ngồi yên trong cuộc chạy đua chiến tranh chạy đua vũ khí công nghệ cao.
Nếu như Iran sở hữu những máy bay không người lái có khả năng tấn công với độ chính xác rất cao thì các quốc gia Vùng Vịnh, với nguồn tài chính dồi dào, được cho cũng đã không ngừng tăng cường các công nghệ do thám, khả năng chiến tranh mạng trong những năm gần đây...
Hệ thống Vòm sắt của Israel (Ảnh: Sputnik)
Trong khi đó, đối thủ của Iran là Lực lượng Phòng vệ Israel hiện gồm 3 nhánh quân, được trang bị nhiều vũ khí và trang thiết bị hiện đại, có khả năng đáp trả đối phương mạnh mẽ.
Các loại vũ khí chủ yếu trong nước do Israel tự chế tạo bao gồm hệ thống phòng không Vòm sắt, tên lửa Arrow và loạt tên lửa có khả năng hạt nhân Jericho. Các loại vũ khí nhỏ sản xuất trong nước như súng lục Desert Eagle, súng máy hạng nhẹ Negev, súng tiểu liên Uzi và xe tăng Merkava....
Đặc biệt, Vòm sắt là hệ thống phòng không nổi tiếng nhất. Đây là một hệ thống tầm ngắn đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do Hamas và Hezbollah, hai nhóm vũ trang có liên kết với Iran, bắn trong vài năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!