Theo CNN, những người có thu nhập hàng năm dưới 125.000 USD sẽ được xóa khoản nợ sinh viên lên tới 10.000 USD.
Cuộc khủng hoảng nợ vay sinh viên đã trở thành câu cửa miệng quen thuộc tại các gia đình Mỹ. Hơn 40 triệu người Mỹ đang mắc nợ bởi học hành, tổng số nợ sinh viên tại Mỹ giờ đã lên tới 1,7 nghìn tỷ USD.
Theo CNN, những người có thu nhập hàng năm dưới 125.000 USD sẽ được xóa khoản nợ sinh viên lên tới 10.000 USD. Người vay thu nhập thấp theo chương trình liên bang Pell Grants, khoản xóa nợ này lên tới 20.000 USD. Việc này giảm áp lực cho hàng triệu người khi chi phí sinh hoạt đang tăng chóng mặt.
New York Times, ước tính, theo kế hoạch này số nợ sinh viên được xóa có thể lên hơn 300 tỷ USD. Các nghị sĩ đảng Dân chủ thì hoan nghênh kế hoạch, cho rằng việc xóa nợ giúp thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, hỗ trợ tốt hơn cho những người thu nhập thấp. Song, một số đảng viên Cộng hòa lại phản đối, bởi điều này không công bằng với các sinh viên đã chăm chỉ làm việc và trả hết nợ.
Khoảng 30% sinh viên tại Mỹ phải đi vay để đóng học phí. Và giới chức Mỹ đang chỉ ra nhiều sai sót lớn trong hệ thống cho vay sinh viên của Liên bang.
Theo CNBC, hàng trăm nghìn sinh viên được cung cấp các khoản vay Liên bang tại các trường học. Song hóa ra, đó là hành vi săn mồi và lừa đảo, khiến sinh viên nợ nần chồng chất. Nhiều sinh viên bị vướng vào các khoản vay nợ kéo dài, tốn kém không cần thiết.
Reuters chỉ ra, chi phí học đại học tai Mỹ đã tăng vọt trong 3 thập kỷ qua, tăng gấp đôi ở các trường cao đẳng, đại học. Gần 90% người đi vay có thu nhập trung bình hàng năm dưới 75.000 USD.
Một số người lo ngại việc xóa nợ sinh viên sẽ ảnh hưởng đến chi ngân sách, theo đó dẫn đến làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát. Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, con số này là quá nhỏ để có thể tác động đến lạm phát tại Mỹ hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!