Một sự chuyển giao quyền lực bất ngờ nhưng đã diễn ra nhanh chóng và êm đẹp tại Nhật Bản chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Thủ tướng mới của Nhật Bản, Yoshihide Suga, có được sự ủng hộ áp đảo với 70% phiếu bầu, sẽ tiếp nối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Abe Shinzo cho đến tháng 9/2021.
Báo chí đã phân tích rất nhiều về nhân vật chính trị không quá mới tại Nhật Bản này, người từng giữ vị trí Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản trong suốt 8 năm khi ông Abe Shinzo trở lại ghế Thủ tướng, người vốn được xem là cánh tay phải của ông Abe. Xung quanh Thủ tướng Suga cũng có nhiều chi tiết hậu trường thú vị, từ việc không xuất thân trong một gia đình có truyền thống chính trị, điều được xem là khá đặc biệt trong môi trường và văn hoá chính trị tại Nhật Bản, cho đến những phẩm chất để trở thành người cầm lái, với ý chí, nghị lực kết hợp sự khéo léo, sắc sảo.
Tuy nhiên, điều được quan tâm hơn cả lúc này là với chỉ 1 năm còn lại tại nhiệm sở, cho đến tổng tuyển cử theo thời hạn tại Nhật Bản, ông Suga sẽ lựa chọn chèo lái ra sao. Đơn thuần là kế thừa để tránh cho nước Nhật một khoảng trống chính trị hay liệu ông sẽ kịp tạo dấu ấn. Quan hệ quốc tế và khu vực sẽ có những chuyển động gì theo đó?
Tân Thủ tướng Nhật Bản với những trọng trách lớn
Kiện toàn Nội các, trọng trách đầu tiên đã được tân Thủ tướng Nhật Bản hoàn thành. Hơn một nửa trong tổng số 20 vị trí được bổ nhiệm mới. Không có "tuần trăng mật" cho tân Thủ tướng, ông Suga đã có những bước đi đầu tiên, tập trung ngăn chặn dịch COVID-19 và đảm bảo việc làm, kinh tế.
Chính phủ của ông Suga quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang lao dốc vì dịch bệnh. Đồng thời, trong dự luật đầu tiên dưới thời chính quyền mới, ông Suga đặt mục tiêu thành lập Bộ Kỹ thuật số mới vào cuối năm 2021, đóng vai trò tháp chỉ huy trong số hóa Chính phủ và thúc đẩy nền kinh tế số của Nhật Bản.
Ông Yoshihide Suga (giữa) được Quốc hội bầu chọn làm Thủ tướng mới của Nhật Bản, ngày 16/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngay khi vừa nhậm chức, tân Thủ tướng Nhật Bản đã có một loạt cuộc điện đàm với các đồng minh truyền thống như Mỹ, Anh, Đức. Đáng chú ý nhất là cuộc điện đàm được nhận định là tìm cách hạ nhiệt quan hệ với Hàn Quốc, vốn đang căng thẳng về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến và hợp tác đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.
"Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những quốc gia láng giềng quan trọng của nhau. Đối với vấn đề Triều Tiên, tôi tin rằng liên minh giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ là rất quan trọng. Trong vấn đề lao động thời chiến, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là khá gay gắt. Tôi đã trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc rằng, chúng ta không thể để mối quan hệ ở hiện trạng như thế này. Tôi sẽ thúc đẩy Hàn Quốc có những phản ứng mạnh mẽ phù hợp" - ông Suga nhấn mạnh.
Lúc này, lợi thế ông Suga có được là sự tín nhiệm cả trong nội bộ Đảng LDP lẫn công chúng. Một cuộc khảo sát của báo Nikkei cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Suga hiện là 74%, mức cao thứ ba trong lịch sử khảo sát.
Tuy nhiên, thách thức của ông là phải khẳng định được mình ở giai đoạn khó khăn hiện nay khi mà nhiệm kỳ trước mắt của ông chỉ kéo dài 1 năm. Khoảng thời gian tới sẽ là bài kiểm tra đối với ông Suga trên cương vị mới, trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 9 năm sau mà chưa ai dự báo được được cục diện sẽ như thế nào.
Di sản ấn tượng của ông Abe Shinzo
Khi mà hầu hết tất cả mọi người sẽ nói về những thành tựu, trong bài phát biểu từ chức, ông Abe Shinzo bày tỏ sự nuối tiếc về những công việc dang dở.
"Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới nhân dân Nhật Bản vì đã phải rời nhiệm sở sớm 1 năm, ngay trong đại dịch và trong lúc nhiều chính sách đang còn dang dở" - ông Abe Shinzo cho biết.
"Di sản ấn tượng của ông Abe Shinzo" - dòng tít lặp đi lặp lại trong tất cả những bài viết về sự ra đi của nguyên Thủ tướng Nhật Bản, chính là sự công nhận với những gì ông Abe Shinzo đã làm cho Nhật Bản.
Chính sách thúc đẩy kinh tế Abenomics được coi là một trong những di sản của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Ảnh: Reuters)
Lên nắm quyền trong những "Thập niên mất mát", kéo dài suốt những năm 90 và cả 2000, khi mà nền kinh tế trì trệ, ông Abe Shinzo thắp lên hy vọng cho cử tri là tất cả mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Giữa năm 1989 và 2012, Nhật Bản có tới 16 Thủ tướng, trung bình mỗi nhiệm kỳ chưa tới 2 năm.
Đoàn kết Đảng Dân chủ Tự do LDP. Tập hợp bộ máy Nhà nước, tăng quyền hạn cho Văn phòng Nội các, mở rộng kiểm soát trong việc bổ nhiệm nhân sự Chính phủ. Tìm cách phục hồi nền kinh tế Nhật Bản thông qua chính sách tài chính và tiền tệ táo bạo, đồng thời theo đuổi những thay đổi cơ cấu đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, quản trị doanh nghiệp, năng lượng, thị trường lao động và việc làm của phụ nữ. Tuy tạo có được tiếng vang cùng những thành tựu kinh tế nhất định nhưng Abenomics vẫn chưa phải toàn diện.
Tuy nhiên, lĩnh vực ông Abe thực sự tỏa sáng là đối ngoại. Hình ảnh Nhật Bản đi kèm với sự lãnh đạo chủ động trên thế giới, được xây dựng nhờ ông Abe Shinzo.
Ông Abe đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với chính sách an ninh và tăng cường ủng hộ trật tự quốc tế tự do, đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Ông Abe ủng hộ các hiệp định thương mại và chủ nghĩa toàn cầu, ngay khi nhiều nước chìm vào chủ nghĩa bảo hộ. Cụ thể có thể kể tới như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản - EU.
Những thách thức đối với tân Thủ tướng Nhật Bản
Ông Suga lên nắm quyền lãnh đạo vào thời điểm nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều năm trì trệ và vật lộn với những tác động lâu dài của tình trạng già hóa dân số, nay tiếp tục bị giáng thêm một đòn nữa mang tên COVID-19. Để vượt qua khủng hoảng, ông Suga cam kết tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm.
"Để vượt qua khủng hoảng và mang lại cho người dân Nhật Bản cảm giác thư thái và giúp họ có cuộc sống ổn định, chúng ta cần thực hiện thành công những gì Thủ tướng Abe đã và đang thực hiện" - ông Suga nhấn mạnh.
Ông Yoshihide Suga được kỳ vọng sẽ tiếp tục trọng trách của người tiền nhiệm Abe Shinzo (Ảnh: Reuters)
Hai thách thức lớn lúc này với tân thủ tướng Suga là khống chế dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế. Hiện Nhật Bản dù đã kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng nhiều chuyên gia lo ngại dịch bệnh này có thể sẽ bùng phát trở lại vào mùa đông. Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái. Tổng sản phẩm quốc nội quý II năm nay giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua.
Về đối ngoại, Thủ tướng Suga khẳng định, quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ sẽ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của ông mặc dù hiện nay, giữa Washington và Tokyo vẫn đang tồn tại nhiều "khúc mắc" như yêu cầu chia sẻ chi phí cho các lực lượng Mỹ đồn trú ở Nhật hay cán cân thương mại khiến Washington gia tăng áp lực buộc Tokyo phải thay đổi chính sách thương mại.
Trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc, có những căng thẳng chính trị về chủ quyền của các hòn đảo và có những căng thẳng quân sự trên các tuyến đường biển.
Về quan hệ với Hàn Quốc, căng thẳng đã gia tăng trong hai năm qua về các vấn đề lịch sử, luật pháp và chính trị. Trở ngại chỉ có thể vượt qua khi hai bên đạt được sự thấu hiểu để chữa lành những vết thương trong quá khứ.
"Khi tình hình xung quanh Nhật Bản đang trở nên khó khăn hơn, tôi sẽ mở rộng các chính sách dưới sự liên minh của Nhật Bản và Mỹ để bảo vệ lợi ích quốc gia, tôi sẽ hướng tới một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở về mặt chiến lược, tôi cũng muốn xây dựng một mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng bao gồm Trung Quốc và Nga" - ông Suga cho biết.
Có thể thấy, Thủ tướng Suga nhậm chức trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, kể cả đối nội lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, ông Suga là người nhận được sự hậu thuẫn lớn nhất trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Đó là một lợi thế để Chính phủ của ông có thể dễ dàng triển khai các chính sách trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!