Năm 2020, sẽ có khoảng 6,1 triệu thanh thiếu niên ở Ấn Độ bị mất việc. (Ảnh minh họa: AP)
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được công bố vào ngày 19/8, khoảng 6,1 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 24 tại Ấn Độ có khả năng bị mất việc làm trong năm 2020 do COVID -19.
Con số này được đưa ra với kịch bản nước này mất 6 tháng, cho tới tháng 9, để kiểm soát đại dịch. Con số trên chiếm khoảng 40% tổng số người bị mất việc làm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo có tiêu đề "Giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm đối với thanh niên ở châu Á và Thái Bình Dương do COVID-19". Trong kịch bản 6 tháng trên, Pakistan là quốc gia có khoảng 2,3 triệu thanh niên có thể mất việc làm và Indonesia có thể chứng kiến 1,9 triệu thanh niên bị thất nghiệp trong cùng giai đoạn, mặc dù nước này có lực lượng lao động trẻ lớn hơn. Báo cáo cho biết thêm, 14,8 triệu thanh niên sẽ bị cắt giảm việc làm tại 13 quốc gia trong khu vực.
14,8 triệu thanh niên sẽ bị cắt giảm việc làm tại 13 quốc gia trong khu vực. (Ảnh minh họa: Business Standard)
Theo báo cáo, các quốc gia có lực lượng lao động đông nhất dự kiến sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, hai yếu tố khác cũng ảnh hưởng mạnh tới tỷ lệ thất nghiệp là thời điểm bắt đầu các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và mức độ khắc nghiệt của các biện pháp cách ly xã hội. Ấn Độ không chỉ có dân số và lực lượng lao động lớn hơn mà còn áp đặt các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt sớm, vào nửa cuối tháng 3/2020.
Báo cáo cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tại Ấn Độ có thể chạm mức 32,5%. Tỷ lệ này ở mức cao thứ 3 trong số 13 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sri Lanka và Fiji sẽ có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao hơn, ở mức lần lượt là 37,8% và 36,85%. Cơ hội việc làm cho thanh niên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bị thách thức nghiêm trọng do đại dịch và thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 24 sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người lớn từ 25 tuổi trở lên.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm này, các chính phủ trong khu vực cần áp dụng những biện pháp khẩn cấp, quy mô lớn và có mục tiêu để tạo việc làm cho thanh niên, tập trung vào các chính sách toàn diện về thị trường lao động (bao gồm trợ cấp tiền lương và các chương trình việc làm công) và giảm thiểu tác động đến sinh viên trẻ khiến họ bị gián đoạn trong quá trình giáo dục và đào tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!