Khủng hoảng thiếu nước ở Ấn Độ đã kéo dài trong gần 10 năm nay. Việc người dân phải trèo xuống giếng sâu hớt nước bẩn này đang gây ra mối nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.
Hàng ngày, trong nhiều giờ, dưới trời nắng nóng, một số phụ nữ liều mình dò theo dây tụt xuống đáy giếng đã cạn gần hết nước.
(Ảnh: India Posts English)
Bà Reshma Gauli, trưởng làng Koshimpada, bang Maharashtra, Ấn Độ, nói: "Nước ở làng tôi rất bẩn. Phụ nữ phải xuống giếng lấy cả nước bẩn về dùng. Chúng tôi còn sợ bị sảy chân mà ngã xuống".
Anh Ashok Amey Shind, ở làng Telamwadi, bang Maharashtra, chia sẻ: "Chúng tôi được khuyến khích chăn nuôi, nhưng chúng tôi lấy đâu ra nước nuôi chúng, trong khi chúng tôi còn không có nước mà uống?"
Khủng hoảng thiếu nước ở Ấn Độ là do một loạt yếu tố cùng lúc xảy ra gồm hạn hán, biến đổi khí hậu, tình trạng phá rừng và thiếu mưa trầm trọng. Hạn hán khiến nước giếng cạn đi., trong khi mưa ít nên không có nước bù lại cho giếng. Tình trạng nước ngầm bị khai thác quá mức cũng góp phần gây ra khủng hoảng.
Cơ quan phát triển nông thôn của bang Maharashtra cho biết đã đấu thầu xây dựng nhà máy nước để kết nối việc cung cấp nước ở tất cả các làng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!