Lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra trên thế giới trong năm 2023

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 29/01/2023 11:03 GMT+7

VTV.vn - Sau năm 2022 đã có quá nhiều thách thức, năm 2023 bắt đầu, nền kinh tế được đặt trong một bối cảnh rất rõ ràng, đó là lạm phát đang cao.

Lạm phát là một trong những câu chuyện chính và chi phối nhất với kinh tế thế giới năm 2022. Năm 2023, lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra với những điều tiết chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn được cho sẽ chưa dừng lại, tới chừng nào đáp ứng được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Biến động lãi suất theo đó được đánh giá là một trong những yếu tố vẫn góp phần lớn tác động vào tổng thể bức tranh kinh tế 2023. Cùng với đó, là câu hỏi về diễn biến trên thị trường năng lượng, cùng những kỳ vọng vào động lực từ khu vực châu Á, với Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Sau năm 2022 đã quá nhiều thách thức, năm 2023 bắt đầu, nền kinh tế được đặt trong một bối cảnh rất rõ ràng, đó là lạm phát vẫn đang cao, khả năng nhiều nước tiếp tục can thiệp chính sách tiền tệ kéo theo nguy cơ suy thoái vẫn có, các rủi ro từ xung đột địa chính trị chưa qua, nhưng cũng có những điểm sáng mới, từ những khu vực kinh tế năng động châu Á, Đông Nam Á, làm động lực và kỳ vọng cho kinh tế toàn cầu.

Tác động của lãi suất trong năm 2023

Chỉ còn vài ngày nữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ công bố lãi suất điều chỉnh lần đầu tiên trong năm 2023. Theo các công cụ theo dõi lãi suất, có khả năng cao FED sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 4,5% đến 4,7%. Dữ liệu lạm phát của Mỹ gần đây đang giảm là cơ sở để FED giảm tốc độ tăng lãi suất.

Ông Sameer Samana - Công ty tài chính Wells Fargo, Mỹ phân tích: "FED có thể sẽ bắt đầu tăng theo mức tăng 25 điểm cơ bản, thay vì 75 hay 50, số lần tăng có thể phụ thuộc vào việc liệu lạm phát có tiếp tục giảm hay không. Chúng tôi nghĩ rằng có, điều đó có nghĩa là FED chỉ còn lại hai hoặc ba lần tăng lãi suất nữa. Họ có thể sẽ dừng ở đâu đó khoảng 5% và sau đó có thể sẽ đợi đến nửa cuối năm nay để xem tác động của tất cả các biện pháp thắt chặt trong năm qua là gì".

Lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra trên thế giới trong năm 2023 - Ảnh 1.

Việc FED phát đi tín hiệu tăng lãi suất với lộ trình và tốc độ tăng chậm lại sẽ giảm bớt áp lực với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu phải tăng lãi suất theo. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF khuyên các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát cho đến khi lãi suất về mức "trung tính". IMF dự báo đến năm 2024, những chính sách hiện nay của các ngân hàng trung ương mới cho thấy hiệu quả.

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng: "Chúng ta có chính sách tiền tệ ở chân phanh và chính sách tài khóa ở chân ga. Chúng ta cần các ngân hàng trung ương hành động dứt khoát bởi vì lạm phát rất dai dẳng, hiện nay chúng ta thấy tác động thứ cấp của giá năng lượng và lương thực đến lạm phát cơ bản ở nhiều quốc gia, và nếu nó không được ngăn chặn từng bước, thì điều đó có hại cho tăng trưởng và rất có hại cho người nghèo. Lạm phát là thuế đánh vào người nghèo".

Nhiều ngân hàng và thể chế tài chính đều dự đoán FED sẽ tăng lãi suất lên gần 5,5% vào tháng 5 năm nay, cùng với suy thoái kinh tế có thể xảy ra vào khoảng nửa cuối năm 2023.

Theo dự báo của Bloomberg Economics, lịch sử đã cho thấy các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái, cùng với đó, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng. Tất cả điều đó có thể xảy ra cùng lúc, và khi ấy, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ bốc hơi khoảng 5.000 tỷ USD.

Giai đoạn lãi suất thấp, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, địa chính trị ít biến động là những yếu tố then chốt mang lại nhiều thập kỷ tăng trưởng và giá cả ổn định cho thế giới. Năm 2023, các yếu tố này đã khác, báo hiệu một thời gian không hề dễ dàng ở phía trước.

Lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra trên thế giới trong năm 2023 - Ảnh 2.

Kịch bản thị trường năng lượng 2023

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF từng nhấn mạnh, các thách thức đối với kinh tế toàn cầu năm nay là rất lớn, môi trường chính sách tiền tệ cũng đang ở tình trạng không bình thường. Cũng theo tổ chức này, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và vẫn đẩy lạm phát leo thang. Có thể nói, một cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc, khiến còn rất nhiều biến số vẫn đang đặt ra đối với tình hình kinh tế năm nay. Đặc biệt là câu hỏi, giá năng lượng sẽ ra sao, thị trường năng lượng có những định hình ra sao?

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm 2022 khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu, khí đốt và điện tăng mạnh. Cuộc khủng hoảng này vẫn còn nhiều điều khó lường và được dự đoán sẽ chưa thể kết thúc trong năm 2023.

Theo ông Fatih Birol - Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế, thị trường năng lượng có thể thắt chặt hơn vào năm 2023, đồng thời hy vọng giá sẽ không tăng thêm nữa để giảm bớt áp lực đối với các nước đang phát triển nhập khẩu năng lượng. "Tôi sẽ không quá lạc quan về thị trường năng lượng và năm 2023 có thể là năm thị trường năng lượng sẽ thắt chặt hơn".

Hiện giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent đang dao động quanh mức 80 USD/ thùng. Theo hai đại diện của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Công ty dầu Saudi Arabia thì giá dầu đang ở mức cân bằng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì kịch bản năng lượng 2023 vẫn bị chi phối bởi hai điều không chắc chắn, đó là nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và nguồn cung dầu mỏ của Nga.

Bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: "Nhìn vào xu hướng lây nhiễm và việc nền kinh tế được tái mở cửa, chúng ta có thể thấy sự phục hồi rất nhanh của Trung Quốc bắt đầu từ sau quý I của năm nay. Nhưng nếu tăng trưởng ở Trung Quốc mạnh hơn nhiều, chúng ta có thể chứng kiến một đợt tăng giá dầu hoặc tăng giá năng lượng".

Lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra trên thế giới trong năm 2023 - Ảnh 3.

Về Nga, có rất nhiều đồn đoán về khả năng xuất khẩu dầu mỏ của Nga trong năm 2023 trước những khó khăn bởi các lệnh trừng phạt cũng như những khó khăn trong chính nội tại nước Nga. Hiện các công ty quốc tế hợp tác với Nga trong lĩnh vực dầu mỏ đều đã dừng hợp tác với Nga.

Ông Fatih Birol - Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): "Xuất khẩu dầu mỏ của Nga hiện đang giảm và sẽ giảm hơn nữa trong quý 1 năm nay và hơn thế nữa. Xét về dài hạn, tôi tin rằng ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga sẽ đối mặt với những thách thức lớn".

Thị trường dầu thô thắt chặt đã làm hồi sinh các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhà sản xuất dầu thô lớn với khả năng xuất khẩu dự phòng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán được dự đoán sẽ khó có triển vọng trong năm 2023 khi Iran và phương Tây vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề ngoại giao.

Năm 2023 dự báo là một năm triển vọng hơn cho phân ngành năng lượng tái tạo so với nhiên liệu hóa thạch. Ước tính, tiêu thụ năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ tăng 11% trong năm 2023. Tuy nhiên, thách thức mà phân ngành năng lượng này hiện nay phải đối mặt là làm thế nào để thiết kế lại toàn bộ hệ thống trong khi vẫn duy trì nguồn cung cấp ổn định, giá cả phải chăng và bền vững cho hành tinh.

Động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới 2023

Có nhiều ý kiến nghiêng về khả năng, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể phải trải qua các đợt suy thoái tương đối ngắn, không quá nghiêm trọng và có thể tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý 4 năm nay. Khác với những dự báo còn nghi ngại cho các nền kinh tế phương Tây, châu Á lại được mong đợi sẽ trở thành động lực cho triển vọng toàn cầu năm nay. Dù không nằm ngoài các thách thức và vẫn sẽ đối diện với những giai đoạn chịu tác động từ tình hình khó khăn chung, các nền kinh tế Đông Nam Á, Ấn Độ và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc được kỳ vọng nhiều sẽ có thể làm sáng tình hình chung.

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu u ám, kinh tế Mỹ, châu Âu giảm tăng trưởng, các nền kinh tế mới nổi châu Á được nhận định là động lực cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023. Theo dự báo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 5,7% vào năm 2023. Kinh tế Trung Quốc được dự báo có mức tăng trưởng kém ấn tượng hơn nhưng vẫn khá tích cực ở mức 4,6% trong năm nay. Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đang tạo ra những động lực quan trọng cho kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra trên thế giới trong năm 2023 - Ảnh 4.

Ông Prasoon Sharma - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc toàn cầu của Ấn Độ: "Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% là rất khả quan và tích cực không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nó cũng cho thấy sự gia tăng xuất nhập khẩu và thương mại của Trung Quốc với thế giới. Đây là những chỉ số quan trọng và tích cực cho sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu cũng như của Trung Quốc".

Ông Zhang Jianping - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Kinh tế Khu vực, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Năm 2023, về góc độ cung, các hoạt động sản xuất, dịch vụ, bất động sản của Trung Quốc đã đang và sẽ phục hồi mạnh mẽ. Từ góc độ cầu, Trung Quốc là thị trường tiêu dùng lớn, đứng thứ hai thế giới về quy mô hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, động lực cung cầu lớn này của Trung Quốc sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng như kinh tế châu Á".

Khu vực Đông Nam Á cũng là một điểm sáng tăng trưởng và được hưởng lợi nhiều hơn từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo dự báo của OECD, tăng trưởng GDP của khu vực ASEAN được dự báo ở mức 5,2% trong năm 2023, cao đáng kể so với nhiều nền kinh tế khác trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Ông Brian Lee Shun Rong - Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore: "Việc Trung Quốc mở cửa trở lại và tăng trưởng thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực ASEAN, đặc biệt là thông qua xuất khẩu, du lịch và dịch vụ đối ứng, bù đắp một phần rủi ro suy thoái ở Mỹ và châu Âu... Bên cạnh đó, thương mại nội khối ASEAN đang tăng trưởng hơn 30%, giúp giảm bớt một phần sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc... Cùng với đó, việc định hình lại chuỗi cung ứng sang khu vực ASEAN cũng giúp làm tăng đáng kể nguồn vốn FDI vào khu vực".

Các thể chế, đơn vị nghiên cứu kinh tế đều cho rằng, châu Á - Thái Bình Dương, vốn đóng góp 35% GDP của thế giới, sẽ đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, nhờ các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí cạnh tranh.

Triển vọng kinh tế, con đường tăng trưởng tại châu Á, Đông Nam Á nhìn chung sẽ khác với khu vực các nền kinh tế châu Âu. Do khu vực này được cách ly ở một mức độ nào đó với những khó khăn mà châu Âu phải đối mặt. Điều này có nghĩa, có nhiều khoảng trống hơn cho các chính sách định hướng tăng trưởng trong khu vực, mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, lạm phát cao đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt điều kiện. Dù vậy, vẫn còn nhiều biến số chưa chắc chắn với triển vọng kinh tế thế giới năm nay, vẫn còn nhiều yếu tố được đánh giá không mấy tích cực, nguy cơ suy thoái vẫn còn đó. Thách thức là vẫn có, động lực kinh tế toàn cầu đang được đặt kỳ vọng vào châu Á, nhưng xử lý tốt tác động từ các thách thức bên ngoài cũng là điều không đơn giản.

Lạm phát Mỹ dự kiến về mức lý tưởng cuối năm 2023 Lạm phát Mỹ dự kiến về mức lý tưởng cuối năm 2023

VTV.vn - Nền kinh tế Mỹ đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng mới được công bố đã cho thấy dấu hiệu lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

lạm phát

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước