"Nga luôn là mấu chốt tháo gỡ căng thẳng tại miền Đông Ukraine"

VTV News-Chủ nhật, ngày 21/09/2014 15:30 GMT+7

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát trao đổi tại trường quay "Toàn cảnh thế giới" (Ảnh: VTV News)

Đó là nhận định của nhà báo Nguyễn Đăng Phát - Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương - khi bàn về giải pháp tìm kiếm hòa bình cho miền Đông Ukraine.

Trong tuần qua, tình hình thời sự thế giới đáng chú ý nhất là việc Quốc hội Ukraine đã thông qua "Dự luật trao quyền tự trị lớn hơn cho một số khu vực ở miền Đông". Song, động thái này liệu có khả năng tác động tới tiến trình giải quyết cuộc xung đột dai dẳng suốt 6 tháng qua ở miền Đông Ukraine và có phải là bước ngoặt nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, làm hơn 250.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn?

Đây chính là vấn đề được phân tích trong chương trình Toàn cảnh thế giới sáng 21/9 của Đài THVN với sự tham gia của vị khách mời là nhà báo Nguyễn Đăng Phát - Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương. Nhà báo Nguyễn Đăng Phát là người đã có nhiều năm làm trưởng đại diện của Thông tấn xã Việt Nam tại LB Nga và là một chuyên gia theo dõi tình hình chính trị Đông Âu.

Đánh giá về quyết định của Quốc hội và Tổng thống Ukraine khi ban hành quy chế đặc biệt cho 2 tỉnh miền Đông - Donetsk và Lugansk, nhà báo Nguyễn Đăng Phát chú ý tới 3 điểm nổi bật: "Thứ nhất, đây là sắc luật do Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của Ukraine thông qua theo dự thảo của Tổng thống Poroshenko. Thứ hai, quy chế đặc biệt này chỉ dành cho một số địa phương nhất định ở Donetsk và Lugansk. Thứ ba, những quy chế này chỉ có thời hạn 3 năm".

Song, thực tế là các khu vực được hưởng quyền tự trị đặc biệt ở Ukraine lại phản ứng không mấy mặn mà với động thái này của chính phủ. Nhà báo Nguyễn Đăng Phát cho rằng có 2 lý do dẫn tới thực trạng này.

"Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, các đại diện cao cấp của chính quyền ở hai nước cộng hòa tự xưng ly khai nói rằng luật vừa thông qua phải có thời gian để nghiên cứu. Thứ hai, về chính trị, thực ra, những phản ứng của hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng là khá tích cực. Họ nhận định đây là hướng đi đúng và coi đây là lời mời để tiếp tục cuộc thương lượng giữa chính quyền của hai nước cộng hòa tự xưng này với chính quyền trung ương của Ukraine. Tuy nhiên, họ đang có những đòi hỏi lớn hơn thế bởi trong những ngày qua, họ luôn luôn khẳng định mục tiêu cao nhất là độc lập" - nhà báo lý giải.

Trên thực tế, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine không còn hoàn toàn nằm trong tầm với của người Ukraine. Theo nhà báo Nguyễn Đăng Phát, điều là yếu tố quyết định cho việc tìm một giải pháp cho khu vực này chính là "nhân tố Nga". "Dù gì đi nữa, nếu không có đối thoại với Nga, chưa xử lý được sự hiểu biết lẫn nhau với Nga, Ukraine không thể có an ninh vững bền. Điều này đúng như những gì mà Tổng thống Poroshenko đã phát biểu" - nhà báo nói.

Cũng trong cuộc trao đổi, khi nhìn lại những gì mà Tổng thống Poroshenko đã làm kể từ ngày nắm quyền, ông nhận định: "Có thể thấy, trong hơn 100 ngày cầm quyền, “hồ sơ miền Đông Ukraine” là rắc rối nhất đối với Tổng thống Poroshenko và mang tính quyết định động thái đối nội, đối ngoại của ông. Về đối ngoại, ông Poroshenko đã có bước đi khá mạnh mẽ để tìm cách giành thêm sự ủng hộ của Mỹ, NATO, EU trong việc giải quyết các vấn đề của Ukraine. Về đối nội, ông Poroshenko đã có những bước đi để củng cố lực lượng chính trị của mình và xây dựng một ê-kíp để hỗ trợ ông trong các hoạt động tiếp theo, đặc biệt là động thái giải tán quốc hội ngày 27/8 và quyết định bầu cử trước thời hạn vào ngày 26/10 sắp tới".

Những phân tích của nhà báo Nguyễn Đăng Phát tại chương trình Toàn cảnh thế giới có trong Video dưới đây, mời quý vị đón xem:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước