Người di cư Venezuela tại Bogota, Colombia. (Ảnh: AP)
Đây là con số kỷ lục trong vòng 10 năm qua được Liên Hợp Quốc công bố vào ngày 18/6.
Hiện người tị nạn chiếm hơn 1% dân số thế giới. Hàng triệu người phải di cư mỗi năm do hậu quả của nạn khủng bố, tình trạng bạo lực, xung đột và vi phạm nhân quyền.
Ước tính 30 - 34 triệu, chiếm 40% trong số 79,5 triệu người bị buộc phải di cư trong năm 2019 là trẻ em dưới 18 tuổi.
Số người tị nạn đã tăng gấp 2 lần, từ khoảng 10 triệu người vào đầu thập kỷ này lên 20,4 triệu người vào cuối năm 2019. Ít nhất 100 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa trong 10 năm qua, nhưng chỉ có một phần nhỏ (khoảng 3,9 triệu người) trở về quê nhà.
Người nhập cư Afghanistan tại Athens, Hy Lạp. (Ảnh: AP)
Báo cáo nhấn mạnh, những cuộc khủng hoảng lớn đã khiến người dân buộc phải rời bỏ nhà của họ, từ cuộc chiến ở Syria, khiến 6,6 triệu người phải tha hương vào cuối năm 2019, đến cuộc xung đột ở Ukraine và bạo lực ở châu Phi hạ Sahara.
Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và chính trị đang diễn ra ở Venezuela cũng là nguyên nhân chính cho tình trạng di cư. Châu Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng gấp 4 lần số người di cư qua biên giới trong thập kỷ qua, chủ yếu là người di cư từ Venezuela.
Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, có 5 quốc gia chiếm tới 2/3 số người tị nạn trên thế giới gồm: Syria, Venezuela, Afghanistan, Nam Sudan và Myanmar. Syria, Afghanistan và Nam Sudan đứng đầu danh sách với gần 80 triệu người tị nạn và xin tị nạn trên thế giới trong năm 2019.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận số lượng người tị nạn lớn nhất trên toàn thế giới vào năm 2019 với 3,6 triệu người, chủ yếu đến từ Syria. Colombia đứng thứ hai với 1,8 triệu người, tiếp theo là Pakistan, Uganda và Đức.
Tính đến cuối năm 2019, thế giới có gần 80 triệu người phải đi tha hương. (Ảnh: Reuters)
Bất chấp dịch COVID-19 đã làm chậm quá trình di cư, số người tị nạn trên toàn thế giới vẫn tăng khoảng 9 triệu người so với một năm trước đó và tăng gần gấp 2 lần kể từ năm 2010 với 41,1 triệu người. Tuy nhiên, những hạn chế được áp đặt vì đại dịch đã làm chậm sự dịch chuyển nói chung.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2019, hơn 100.000 người tị nạn đã được tái định cư ở các nước thứ ba. Canada là nước tái định cư lớn nhất hiện nay, tiếp theo là Mỹ và Australia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!