Dầu ăn được phân phát theo dạng viện trợ lương thực ở Mudzi, cách thủ đô Harare của Zimbabwe khoảng 230 km về phía Đông Bắc. (Ảnh minh họa: AP)
Lời kêu gọi được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng WTO diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ từ ngày 12 - 15/6 với an ninh lương thực là một nội dung trong chương trình nghị sự, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực.
Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet cùng người đứng đầu Cơ quan thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc, bà Rebeca Grynspan, cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine ngày càng làm gia tăng nguy cơ đói kém đối với hàng chục triệu người, vốn cận kề hoặc đang sống trong cảnh thiếu an ninh lương thực.
Hai quan chức Liên Hợp Quốc nêu rõ, vào năm 2020, khoảng 80% lương thực và khoảng 92% ngũ cốc của các nước châu Phi là nhập khẩu.
Trước thực tế này, các quan chức kêu gọi những nước thành viên WTO "không áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với những mặt hàng lương thực thiết yếu được đặt mua bởi các nước kém phát triển, những quốc gia đang phát triển hiện nhập khẩu ròng lương thực và những nước đang trông cậy vào Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP), vì mục đích nhân đạo phi thương mại."
Cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine làm gia tăng nhiều quan ngại về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu do các cảng ở Biển Đen của Ukraine đang bị phong tỏa, khiến Kiev không thể thực hiện các hoạt động xuất khẩu.
Xếp hàng chờ nhận thực phẩm do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) viện trợ ở Padeah, Nam Sudan. (Ảnh: AP)
Trước khi xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2 vừa qua, Ukraine là nhà cung cấp lúa mỳ và ngô lớn thứ tư trên thế giới.
Hồi tháng 5, Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, đã kêu gọi các quốc gia không cản trở hoặc hạn chế hoạt động xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm cơ bản do những căng thẳng trên các thị trường lương thực toàn cầu.
Trong khi đó, các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết sẽ làm việc với các nước thành viên WTO nhằm giải quyết vấn đề hạn chế cạnh tranh và những hành vi kinh doanh không lành mạnh.
Trước đó, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu đường để bảo vệ nguồn cung của nước này và xoa dịu lạm phát, chỉ vài ngày sau khi lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ của nước này khiến giá toàn cầu tăng mạnh.
Ngay sau khi Ấn Độ tuyên bố hạn chế xuất khẩu đường vào ngày 25/5, Tổng Giám đốc WTO đã kêu gọi các nước không cấm hay hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực thiết yếu trong bối cảnh các thị trường lương thực toàn cầu đang căng thẳng.
Quyết định về đảm bảo an ninh lương thực và hạn chế xuất khẩu là một trong những kết quả chính được dự đoán tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần này của WTO.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!