Nhận định trên khiến thế giới càng chệch hướng khỏi mục tiêu ngăn chặn các hiện tượng khí hậu cực đoan có sức tàn phá lớn hơn.
Báo cáo Ngân sách Carbon Toàn cầu - được công bố trong Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên hợp quốc tại Azerbaijan - cho biết lượng khí thải CO₂ toàn cầu sẽ đạt tổng cộng 41,6 tỷ tấn vào năm 2024, tăng so với mức 40,6 tỷ tấn của năm 2023. Phần lớn lượng khí thải này đến từ việc đốt than, dầu và khí đốt. Báo cáo cho biết lượng khí thải từ việc đốt than, dầu và khí đốt sẽ đạt tổng cộng 37,4 tỷ tấn vào năm 2024, tăng 0,8% so với năm 2023.
Phần khí thải CO₂ còn lại là từ việc sử dụng đất, bao gồm nạn phá rừng và cháy rừng. Báo cáo được thực hiện bởi hơn 80 tổ chức do Đại học Exeter ở Anh dẫn đầu.
"Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh vào năm 2024" - tác giả chính Pierre Friedlingstein, nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Exeter, thông tin. "Nếu không cắt giảm khí thải ngay lập tức và mạnh mẽ trên toàn thế giới, chúng ta sẽ tiến thẳng đến ngưỡng mục tiêu 1,5°C, vượt qua ngưỡng này và nhiệt độ tiếp tục tăng".
(Ảnh: AFP / Getty Images)
Theo Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015, các quốc gia đã nhất trí sẽ cố gắng ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5°C để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Điều này sẽ đòi hỏi phải cắt giảm khí thải mạnh mẽ hàng năm từ bây giờ cho đến năm 2030 và tiếp tục sau đó.
Trong khi đó, lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch đã tăng trong thập kỷ qua. Lượng khí thải từ việc sử dụng đất đã giảm trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đến năm 2024, khí thải từ việc sử dụng đất đã lên cao khi một đợt hạn hán nghiêm trọng ở Amazon gây ra cháy rừng, đẩy lượng khí thải từ việc sử dụng đất hàng năm tăng 13,5%, lên 4,2 tỷ tấn.
Một số nhà khoa học nhận định biết tiến độ hành động chậm như vậy có nghĩa là mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất trong 1,5°C không còn có thể đạt được một cách thực tế nữa.
Các tác giả cho biết dữ liệu khí thải của năm nay cho thấy bằng chứng về việc một số quốc gia đang nhanh chóng mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo và ô tô điện. Tuy nhiên, tiến độ giữa các nước lại không đồng đều, theo đó với lượng khí thải của các quốc gia công nghiệp hóa giàu có đang giảm và lượng khí thải của các nền kinh tế mới nổi vẫn tăng.
Lượng khí thải tại Mỹ - quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu khí hàng đầu thế giới - dự kiến sẽ giảm 0,6% trong năm nay. Còn lượng khí thải của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ giảm 3,8%.
Trong khi đó, lượng khí thải của Ấn Độ sẽ tăng 4,6% trong năm nay do nhu cầu điện tăng cao theo nhu cầu tăng trưởng kinh tế.
Lượng khí thải tại Trung Quốc - hiện là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới và là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai - dự kiến sẽ tăng nhẹ 0,2%. Các tác giả báo cáo cho biết lượng khí thải từ việc sử dụng dầu của Trung Quốc có khả năng đã đạt đỉnh khi xe điện chiếm lĩnh thị phần.
Lượng khí thải từ hoạt động hàng không và vận tải biển quốc tế cũng dự kiến tăng 7,8% trong năm nay, khi hoạt động hàng không tiếp tục phục hồi sau nhu cầu giảm trong đại dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!