Trái cây dầu cọ tại một trung tâm thu mua ở Dangkil, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, bà Zuraida Kamaruddin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 10/5, Bộ này đã đề xuất mức cắt giảm thuế xuất khẩu dầu cọ với Bộ Tài chính. Bộ Tài chính Malaysia đã thành lập một ủy ban để xem xét chi tiết.
Bà Zuraida cho biết, Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, có thể cắt giảm thuế này, có thể được coi là một biện pháp tạm thời, xuống 4% - 6% so với mức 8% hiện tại. Quyết định được đưa ra sớm nhất vào tháng 6.
Malaysia đang tìm cách tăng thị phần của mình trên thị trường dầu ăn thế giới sau khi Nga tiến hành tấn công quân sự Ukraine, làm gián đoạn việc xuất khẩu dầu hướng dương của Ukraine. Và động thái cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia càng thắt chặt nguồn cung dầu ăn toàn cầu.
"Trong thời kỳ khủng hoảng này, có lẽ chúng ta có thể nới lỏng hơn nhằm xuất khẩu được nhiều dầu cọ hơn", bà Zuraida nói.
Bộ trưởng Zuraida cho biết, đề xuất này cũng yêu cầu Bộ Tài chính Malaysia xúc tiến việc cắt giảm thuế đối với nhà sản xuất dầu cọ có liên kết với nhà nước FGV Holdings lớn nhất Malaysia và các công ty sản xuất oleochemical ở nước ngoài.
Malaysia cũng sẽ làm kéo dài thời hạn thực hiện quy định bắt buộc sử dụng dầu diesel sinh học B30, vốn yêu cầu một phần dầu diesel sinh học của quốc gia được trộn với 30% dầu cọ, để ưu tiên cung cấp cho các ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu và trong nước.
Bà Zuraida nói: "Chúng ta phải ưu tiên cung cấp thực phẩm cho thế giới trước".
Vận chuyển nguyên liệu tại một nhà máy dầu cọ ở Bahau, Negeri Sembilan, Malaysia, ngày 30/1/2019. (Ảnh: Reuters)
Dầu cọ được sử dụng trong tất cả mọi thứ, từ bánh ngọt đến chất tẩy rửa, chiếm gần 60% các lô hàng dầu thực vật toàn cầu và sự vắng mặt của nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới Indonesia đã làm chao đảo thị trường toàn cầu.
Giá dầu cọ thô giao sau đã tăng khoảng 35% trong năm nay, lên mức cao nhất mọi thời đại, làm trầm trọng thêm lạm phát lương thực toàn cầu.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng, giá lương thực, đã tăng lên mức cao kỷ lục hồi tháng 3, có thể tăng tới 20% do hậu quả của xung đột Nga - Ukraine, làm nguy cơ suy dinh dưỡng càng thêm trầm trọng.
Bà Zuraida cho biết, các nhà nhập khẩu Ấn Độ, Iran và Bangladesh đang đề xuất đổi các sản phẩm nông nghiệp như gạo, lúa mì, trái cây và khoai tây để lấy dầu cọ Malaysia.
Hoạt động sản xuất của Malaysia đã bị căng thẳng trong hơn hai năm qua do thiếu lao động trầm trọng sau các đợt hạn chế biên giới do đại dịch COVID-19, khiến lao động nhập cư bị chặn lại.
Bà Zuraida nói với phóng viên hãng tin Reuters trước chuyến thăm Mỹ vào cuối tuần này rằng, với việc hạn chế đi lại được nới lỏng, công nhân nước ngoài sẽ bắt đầu đến nước này làm việc từ giữa tháng 5.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!