Tên lửa Trường Chinh 5B rời bệ phóng ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. Ảnh: AP
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mike Howard cho biết, Lực lượng Vũ trụ Mỹ đang chú ý theo dõi vị trí của mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B trong vũ trụ, nhưng chỉ có thể xác định chính xác điểm rơi của mảnh vỡ cho tới vài giờ trước khi hồi quyển. Phát biểu với báo giới cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ hi vọng mảnh vỡ của tên lửa sẽ rơi xuống biển.
Trong ngày 7/5, Trung tâm Điều hành không gian liên hợp của Mỹ và không quân Hàn Quốc đã tổ chức hội nghị truyền hình có sự tham gia của Đức và Nhật Bản, chia sẻ dữ liệu giám sát và phân tích. Đại diện Hàn Quốc cho biết, không loại trừ hoàn toàn khả năng các mảnh tên lửa rơi xuống Bán đảo Triều Tiên, lực lượng nước này duy trì sự sẵn sàng cao độ, tối đa hóa khả năng giám sát không gian của mình và hợp tác chặt chẽ với Mỹ cùng các cơ quan liên quan khác để chuẩn bị trước mọi tình huống xảy ra.
Tên lửa Trường Chinh 5B được Trung Quốc phóng lên ngày 29/4 để đưa một trạm không gian vào quỹ đạo. Ngày 5/5, truyền thông nhiều nước đưa tin tầng lõi của tên lửa đang "rơi không kiểm soát" vào quỹ đạo Trái Đất. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc nhận định mảnh vỡ của tên lửa có thể sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế.
Theo các chuyên gia, tầng lõi tên lửa bốc cháy phần lớn trong khí quyển trước khi tiếp đất. Mảnh vỡ không cháy hết có thể rơi xuống biển hoặc khu vực không người ở, nhưng vẫn có nguy cơ gây thiệt hại cho người hoặc của.
Về phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 7/5 nói rằng, Bắc Kinh rất chú trọng tới việc đưa tầng trên của tên lửa tái nhập bầu khí quyển: "Theo những gì tôi biết, loại tên lửa này sử dụng thiết kế đặc biệt. Phần lớn tên lửa sẽ bị đốt cháy và bị phá hủy trong quá trình tái nhập bầu khí quyển".
Tên lửa Trường Chinh 5B, nặng 21 tấn, đang thu hút sự chú ý sau khi xuất hiện thông tin nó sẽ quay trở lại Trái đất một cách không kiểm soát. Điều này có nghĩa là tên lửa có thể rơi xuống khu vực có người ở, bao gồm cả New York.
Các nhà thiên văn học theo dõi tên lửa dự báo nó sẽ bay qua Turkmenistan trong khoảng thời gian từ 14 giờ ngày 8/5 (giờ GMT) đến 7 giờ sáng ngày 9/5 (giờ GMT). Nhưng họ gần như không thể đoán được địa điểm và thời gian tên lửa tái nhập bầu khí quyển. Chỉ khi còn vài giờ là nó đi vào bầu khí quyển thì các nhà thiên văn học mới có thể xác định.
Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 5/5 cho biết, tình hình hiện nay không đáng bị "thổi phồng" như những gì mà truyền thông các nước miêu tả, trong đó cho rằng tên lửa Trường Chinh 5B rơi vào tình trạng "mất kiểm soát". Báo này trích dẫn lời một chuyên gia về không gian khác có tên là Song Zhongping cho biết, mạng lưới giám sát không gian của Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ các khu vực nằm trên quỹ đạo di chuyển của tên lửa, cũng như lên các phương án giảm thiểu nguy cơ cho các tàu thuyền qua lại trên biển. Chuyên gia này cũng khẳng định, với việc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B sẽ không gây ô nhiễm cho đại dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!