Đến nay, Thụy Điển vẫn gây tranh cãi vì hầu như không có biện pháp bắt buộc người dân trong chống dịch. Hiện nước này đang rất khó khăn trong việc đối phó với đợt dịch thứ 2 bùng phát dữ dội bất ngờ.
Bài phát biểu hàng năm nhân lễ Giáng sinh đã phát đi thông điệp với giọng điệu gay gắt hiếm có từ Nhà vua Thụy Điển, người chỉ có vai trò nghi lễ và thường tránh bình luận về các vấn đề chính trị. Chính vợ chồng con trai Nhà vua Thụy Điển đã mắc COVID-19 vào tháng 11. Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển vẫn cho rằng, phải đến khi đại dịch kết thúc thì mới rút ra được những kết luận cuối cùng và chỉ thừa nhận có sai lầm đối với nhóm người cao tuổi.
Hơn 90% số người tử vong ở Thụy Điển tới nay là những người từ 70 tuổi trở lên, gần một nửa xảy ra trong các viện dưỡng lão. Hiện Thụy Điển đã ghi nhận hơn 7.800 ca tử vong, cao hơn rất nhiều so với các nước láng giềng Bắc Âu nếu theo tỷ lệ đầu người.
Thụy Điển gần như "một mình một kiểu" trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Quyền tự do đi lại của người dân Thụy Điển được ghi trong hiến pháp và luật pháp, phần nào hạn chế khả năng ra quyết định của Chính phủ. Đến nay, Thụy Điển đã gần như "một mình một kiểu", chưa bao giờ đóng cửa đất nước và khuyến cáo đeo khẩu trang. Trường học, quán ăn, cửa hàng hầu như vẫn mở cửa, chủ yếu dựa vào ý thức tự chịu trách nhiệm của người dân trong việc giãn cách và nghe theo hướng dẫn vệ sinh cá nhân.
Hiện thủ đô Stockholm của Thụy Điển lại một lần nữa trở thành tâm dịch. Các bác sỹ cho biết, đợt dịch thứ 2 này mạnh hơn dự tính rất nhiều bởi họ đã tính toán rằng, đợt thứ 2 sẽ yếu sau khi đợt đầu đã rất mạnh. Và lần đầu tiên từ đầu đại dịch đến nay, nhà chức trách Thụy Điển cuối cùng đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang để ngăn dịch lây lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!