Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Hội nghị (Nguồn: Ban thư ký Tổng thống)
Mỹ công bố chiến lược loại bỏ khí thải
Tại hội nghị COP26, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nước này có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005.
Cũng trong ngày hôm qua, Mỹ đã công bố chiến lược nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Cụ thể, kế hoạch này tập trung vào việc thúc đẩy quá trình tổng hợp điện năng từ các nguồn năng lượng sạch; thúc đẩy việc đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, các tòa nhà công sở, nhà máy sản xuất vận hành bằng điện sạch, cùng với đó là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng sạch và mở rộng quy mô sử dụng công nghệ hấp thu carbon dioxide từ khí quyển.
Ấn Độ đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070
Phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định đến năm 2070, Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ giảm 45% cường độ carbon của nền kinh tế vào năm 2030.
Tuy nhiên, ông Modi nhấn mạnh các cam kết cắt giảm khí thải từ Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác sẽ đòi hỏi nguồn tài chính từ các nước phát thải lâu đời và giàu có. Hiện Ấn Độ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ.
Indonesia kêu gọi đồng bộ hóa chính sách chống biến đổi khí hậu
Cũng tại hội nghị COP26, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, để hoàn thành mục tiêu cụ thể là cắt giảm 29% lượng khí thải một cách vô điều kiện vào năm 2030, nước này đã thông qua Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và carbon thấp tới năm 2050, cũng như lộ trình chi tiết nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 hoặc sớm hơn.
Tổng thống Joko Widodo hy vọng nguồn tài trợ thích ứng trị giá 100 tỷ USD từ các nước phát triển cần được đáp ứng ngay lập tức nhằm thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!