Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể của những lính Mỹ được cử tới Liberia để ngăn chặn bệnh dịch Ebola. (Ảnh: Internet)
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch Ebola đang hoành hành tại khu vực Tây Phi, chính quyền Mỹ đã lên kế hoạch triển khai hơn 1.000 binh sỹ tới Liberia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh chết người nguy hiểm này.
Phát biểu trước báo giới ngày 30/9, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Hải quân John Kirby, cho biết khoảng 700 binh sỹ thuộc sư đoàn không vận số 101 và 700 kỹ sư quân sự sẽ được điều động tới Thủ đô Monrovia của Liberia vào cuối tháng 10. Lực lượng này do Thiếu tướng Gary Volesky đứng đầu và có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan dân sự Mỹ đang làm nhiệm vụ tại nước sở tại.
Theo kế hoạch, các binh sỹ sẽ cùng 200 quân nhân Mỹ trong nhóm 3.000 người được triển khai trước đó thực thi nhiệm vụ đào tạo đội ngũ nhân viên y tế và thành lập các bệnh viện, cơ sở điều trị bệnh tại Liberia. Trong khi đó, các kỹ sư quân sự có nhiệm vụ giúp đỡ xây dựng các trung tâm điều trị Ebola tại các khu vực chịu ảnh hưởng.
Mỹ thông báo kế hoạch trên sau khi phát hiện trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại nước này. Bệnh nhân bị phát bệnh 4 ngày sau khi trở về từ Liberia.
Cùng ngày, Phái bộ phản ứng khẩn cấp với dịch bệnh Ebola của Liên hợp quốc (UNMEER) tái khẳng định nhiệm vụ thiết lập cơ sở hậu cần cho chiến dịch chống dịch Ebola đang lan rộng. Theo người đứng đầu UNMEER Anthony Banbury, phái bộ sẽ thành lập các trung tâm y tế, cung cấp phương tiện đi lại và trang thiết bị cần thiết cho những cộng đồng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời thúc đẩy sự phối hợp hành động của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Kể từ khi bùng phát ở Tây Phi tháng 12 năm ngoái, dịch bệnh Ebola đã khiến hơn 3.000 người tử vong trong tổng số hơn 6.000 ca nhiễm bệnh ở 5 quốc gia Tây Phi đang bị dịch bệnh hoành hành gồm Liberia, Sierra Leone, Guinea và Nigeria. Theo báo cáo công bố ngày 30/9 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ít nhất 3.700 trẻ em ở Guinea, Liberia và Sierra Leone đang lâm vào cảnh mồ côi do cha mẹ tử vong vì Ebola. Nhiều em phải đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng do lo ngại bị nhiễm bệnh từ cha mẹ. Trước thực trạng này, UNICEF đang thực thi nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em. Đơn cử tại Liberia, UNICEF hỗ trợ chính phủ huấn luyện 400 nhân viên y tế để tăng cường chăm sóc những em bị cộng đồng kỳ thị. Tại Sierra Leone, UNICEF có kế hoạch huấn luyện hơn 2.500 người được chữa khỏi Ebola để làm công tác chăm sóc trẻ em tại các trung tâm y tế. Trong khi đó tại Guinea, UNICEF đang chăm sóc cho khoảng 60.000 trẻ em mồ côi.