Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ở Thái Bình Dương tiếp diễn, mới nhất, tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương đang diễn ra tại Fiji từ ngày 11 đến 14/7, Mỹ vừa công bố loạt các cam kết mới, đẩy mạnh hợp tác và gắn kết với khu vực, trong đó có khoản đầu tư trị giá 600 triệu USD cho thập kỷ tới.
Phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố kế hoạch tăng cường hiện diện của Mỹ tại khu vực với việc sắp tới mở hai đại sứ quán của Mỹ tại Tonga và Kiribati. Mỹ cũng tái thiết lập phái bộ khu vực của Cơ quan phát triển Mỹ tại Fiji và đưa tình nguyện viên của Tổ chức Hòa bình Mỹ quay trở lại khu vực.
Bà Kamala Harris cho biết: "Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương, chúng tôi có cam kết lâu dài đối với các quần đảo Thái Bình Dương. Những năm gần đây, các đảo ở Thái Bình Dương có thể đã chưa nhận được sự quan tâm và hỗ trợ ngoại giao mà các bạn xứng đáng nhận được, nước Mỹ sẽ thay đổi điều này".
Phó Tổng thống Mỹ cũng công bố một kế hoạch viện trợ 600 triệu USD kéo dài trong 10 năm cho các dự án ở Thái Bình Dương. Khoản tiền dành đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thích ứng với khí hậu, chống đánh bắt cá bất hợp pháp và đầu tư bảo tồn biển. Khoản viện trợ này sẽ còn cần sự phê duyệt của hai viện Quốc hội Mỹ.
Khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương trước kia là nơi có mối quan hệ chặt chẽ với Australia và New Zealand. Thời gian qua, đầu tư và sự hiện diện ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực gia tăng nổi bật. Việc Mỹ đẩy mạnh cam kết với các quốc đảo Thái Bình Dương thể hiện cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc tại khu vực tiếp diễn với nhiều bước đi đáng chú ý.
Khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương trước kia là nơi có mối quan hệ chặt chẽ với Australia và New Zealand.
"Chúng ta cần đoàn kết để bảo vệ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Cần duy trì một hệ thống luật pháp, thể chế và những hiểu biết chung, đây là cách chúng ta đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của thế giới", bà Kamala Harris nói.
Trước Mỹ, những năm gần đây đầu tư của Trung Quốc vào khu vực ước tính lên tới gần 3 tỷ USD. Không chỉ là đối tác kinh tế quan trọng, hợp tác an ninh cũng là điểm đáng chú ý với thỏa thuận ký cùng quần đảo Solomon. Bên cạnh góc độ cạnh tranh chiến lược, cùng lúc sự đẩy mạnh hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thái Bình Dương, có thể giúp các quốc đảo nhận được nhiều viện trợ và đầu tư quan trọng, cải thiện kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khác biệt quan điểm tại Nam Thái Bình Dương
Chiến dịch tiến mạnh vào Thái Bình Dương của Mỹ trở thành điểm nhấn nổi bật tại Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương đang diễn ra ở Fiji. Xung quanh phản ứng của các quốc đảo tại diễn đàn lần này cũng ghi nhận nhiều chi tiết đáng chú ý.
Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama, nước chủ nhà Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương đã hoan nghênh các cam kết mới của Mỹ về sự gia tăng hiện diện và đầu tư tại khu vực. Ông nói: "Tôi tin rằng mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và các quốc đảo trong khu vực đang gắn bó hơn bao giờ hết, so với những gì chúng ta từng biết trước đây".
Australia và New Zealand đang là hai thành viên có tầm ảnh hưởng nhất trong Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương. Đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực là Australia cũng lên tiếng ủng hộ và hoan nghênh các động thái mới nhất.
Australia và New Zealand đang là hai thành viên có tầm ảnh hưởng nhất trong Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh: "Mỹ là một đối tác quan trọng tại khu vực và Australia hoan nghênh những cam kết tăng cường của Mỹ ở đây".
Bên lề sự kiện, Thủ tướng Australia cũng đã có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Solomon trong ngày 13/7. Solomon là một quốc đảo tại Thái Bình Dương, chỉ cách Australia khoảng 2.000km. Ông Albanese cho biết tại họp báo, rằng Australia có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề bất cứ thỏa thuận an ninh nào mà Solomon ký kết. "Chúng tôi lo ngại về bất cứ sự hiện diện vĩnh viễn nào tại Solomon, một nơi rất gần với Australia, nhưng chúng tôi sẽ có các thảo luận trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau liên quan vấn đề này".
Chính phủ mới được bầu từ tháng 5 của Australia cũng đã cam kết bổ sung khoản viện trợ cho khu vực trị giá 328 USD. Tuy vậy, việc Kiribati bất ngờ rút khỏi không tham gia diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng cũng phản ánh phần nào sự khác biệt quan điểm trong nội bộ các quốc đảo liên quan đến vấn đề sự gia tăng hiện diện của Mỹ tại khu vực, hay sự tăng cường đầu tư, hợp tác của Mỹ và các đồng minh lớn tại khu vực như Australia và New Zealand với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận mới sẽ nằm trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Fiji hồi tháng 5 đã trở thành đảo quốc Thái Bình Dương đầu tiên tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Washington sáng lập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!