Quyết định trên chậm hơn hai tháng so với thời điểm mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 vì dữ liệu ngày càng cho thấy, hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian.
Việc cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Moderna và Pfizer cho mũi tăng cường được đưa ra sau khi các công ty dược phẩm trong tuần trước đã gửi dữ liệu mới về mũi tiêm thứ ba. Các nhà khoa học tư vấn cho Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bác bỏ kế hoạch ban đầu của chính quyền Mỹ bắt đầu triển khai mũi tiêm tăng cường cho tất cả người trưởng thành ở nước này từ ngày 20/9 với lý do thiếu dữ liệu hỗ trợ. Moderna đã gửi lại hồ sơ đăng ký vaccine cho mũi tiêm nhắc của hãng này chỉ hai ngày trước.
Quyền Ủy viên FDA Janet Woodcock đã đưa ra quyết định chấp thuận mũi tiêm tăng cường với vaccine Moderna và Pfizer mà không có cuộc họp công khai thông thường để xem xét dữ liệu mới. Các công ty đã công bố quyết định trên trong ngày 19/11.
"Việc cho phép sử dụng khẩn cấp này được đưa ra vào thời điểm quan trọng, khi chúng ta bước vào những tháng mùa đông và đối mặt với số ca mắc mới COVID-19 và số ca nhập viện ngày càng tăng trên toàn quốc", Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel cho biết trong một tuyên bố.
Mỹ cho rằng, việc tiêm mũi vaccine tăng cường là cần thiết để bảo vệ người dân khi đại dịch tiến triển. (Ảnh: Getty)
Bà Woodcock thông tin, FDA đã hành động nhanh chóng để bảo vệ người dân trong nước khi đại dịch tiến triển. Theo bà Woodcock, việc triển khai các mũi tiêm tăng cường là cách tốt nhất để giúp cư dân Mỹ không phải nhập viện hoặc tử vong vì COVID-19.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cho phép phân phối các mũi vaccine tăng cường trước khi người dân bắt đầu được tiêm, có thể vào cuối tuần này. Hội đồng chuyên gia vaccine độc lập của CDC Mỹ sẽ họp trong ngày 19/11 để xem xét dữ liệu mới và dự kiến sẽ nhanh chóng phê duyệt liều thứ ba. Trước đó, vào ngày 17/11, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky khẳng định, cơ quan y tế công cộng sẽ "hành động nhanh chóng" sau khi FDA phê chuẩn tiêm mũi vaccine tăng cường.
Việc tiêm mũi tăng cường đã gây ra một số tranh cãi ở Mỹ vì vấn đề trên được đưa ra vào thời điểm nước này đang vật lộn để thuyết phục hàng triệu người thậm chí tiêm mũi vaccine đầu tiên. Hơn 60 triệu người ở Mỹ hiện vẫn chưa tiêm chủng. Trong khi đó, nhiều người Mỹ lại mong muốn có thêm một "lớp bảo vệ" với mũi tiêm tăng cường khi thực tế ngày càng cho thấy, hiệu quả của vaccine chống lại sự lây nhiễm giảm dần theo thời gian.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science số tháng 11 cho thấy, hiệu quả của vaccine Pfizer do công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức sản xuất đã giảm từ 86% xuống 43% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 10/2021. Hiệu quả của vaccine Moderna chống lại tình trạng lây nhiễm giảm từ 89% xuống 58% và vaccine của Johnson & Johnson giảm từ 86% xuống 13%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!