Trong đó, đại diện của Trung Quốc nói với những người đồng cấp Mỹ rằng họ sẽ không dùng đến các mối đe dọa hạt nhân.
Học giả David Santoro - người tổ chức cuộc đàm phán Track II của Mỹ - đã lần đầu chia sẻ với Reuters về cuộc đàm phán này.
Người tham gia vào cuộc đàm phán Track II thường là các cựu quan chức và học giả - những người có thể phát biểu với người có thẩm quyền về quan điểm của chính phủ nước họ, ngay cả khi họ không trực tiếp tham gia vào việc thiết lập quan điểm đó. Trong khi đó, các cuộc đàm phán chính thức ở cấp chính phủ được gọi là đàm phán Track I.
Đại diện phía Mỹ - gồm nhiều đại biểu là các cựu quan chức và học giả - tham gia những cuộc đàm phán kéo dài hai ngày tại phòng họp của khách sạn Thượng Hải.
Bắc Kinh đã cử một phái đoàn gồm các học giả và nhà phân tích, trong đó có một số cựu sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Các thành viên của phái đoàn Trung Quốc và Bộ Quốc phòng nước này không trả lời yêu cầu bình luận.
Các cuộc thảo luận không chính thức giữa hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc bất đồng về các vấn đề kinh tế và địa chính trị lớn, trong đó các nhà lãnh đạo ở Washington và Bắc Kinh cáo buộc nhau trao đổi thiếu thiện chí.
Hai nước đã nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán Track I về vũ khí hạt nhân vào tháng 11/2023 nhưng các cuộc đàm phán đó đã bị đình trệ kể từ đó.
Cuộc đàm phán Track II là một phần của cuộc đối thoại về vũ khí hạt nhân và tình hình đã bị đình trệ 2 thập kỷ.
Sau đại dịch COVID-19, các cuộc thảo luận bán chính thức Mỹ - Trung Quốc về các vấn đề an ninh và năng lượng mở rộng hơn đã được nối lại, nhưng chỉ có cuộc họp ở Thượng Hải đề cập chi tiết về vũ khí hạt nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!