Nan giải bài toán vận chuyển vaccine từ nơi thừa đến nơi thiếu

An Ngọc (Theo DW, The New York Times, NPR, Nikkei Asia)-Thứ tư, ngày 25/08/2021 16:56 GMT+7

VTV.vn - Trong khi có nước thừa vaccine thì nhiều nước lại đối mặt với tình trạng thiếu thốn. Thế nhưng việc vận chuyển vaccine từ nơi thừa đến nơi thiếu vẫn là một bài toán khó.

Vaccine "người tiêm không hết...

Tình trạng mất cân bằng trong nguồn cung vaccine COVID-19 đang ngày càng trầm trọng trên khắp thế giới. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng các quốc gia sản xuất và xuất khẩu vaccine khác đã dư thừa hơn 150 triệu liều, trong khi tình trạng thiếu hụt đã gây ra sự chậm trễ trong việc tiêm chủng ở nhiều quốc gia châu Á và châu Phi.

Ở châu Âu, ngoại trừ Vương quốc Anh, tổng cộng khoảng 80 triệu liều vaccine vẫn chưa được sử dụng, bao gồm 14,7 triệu liều ở Đức và 10,6 triệu liều ở Pháp.

Phần lớn lượng vaccine COVID-19 được chuyển thẳng từ các công ty dược phẩm đến các quốc gia giàu có như Mỹ. Trên toàn thế giới chỉ có khoảng 1% vaccine đến được những nước có thu nhập thấp.

Và đây là những gì đang xảy ra trên khắp nước Mỹ: Hàng triệu liều vaccine đang nằm trong kho lạnh sắp hết hạn và có nguy cơ bị hỏng. Ví dụ, ở bang Bắc Carolina, hơn nửa triệu liều vaccine Pfizer sẽ hết hạn vào cuối tháng 8. Bang Alabama vừa tiêu hủy 65.000 liều vaccine. Tháng trước, bang Arkansas cho biết sẽ phải bỏ 80.000 liều.

Bà Jenny Ottenhoff, Giám đốc chính sách về giáo dục và sức khỏe toàn cầu của Chiến dịch ONE, cho biết: "Chúng ta nên chuyển những loại vaccine này đi càng nhanh càng tốt, đặc biệt là khi nước Mỹ sẽ đón nhận thêm nhiều liều vaccine nữa trong những tháng tới".

Trong khi đó, ông José R. Romero - người đứng đầu cơ quan y tế bang Arkansas - lại phản ứng quyết liệt hơn: "Tôi cảm thấy rất buồn, giận dữ, và thất vọng. Nhìn trên quan điểm toàn cầu, hàng triệu người trên khắp thế giới đang bị ảnh hưởng bởi virus, tuy nhiên, chúng ta lại vứt bỏ vaccine".

Nan giải bài toán vận chuyển vaccine từ nơi thừa đến nơi thiếu - Ảnh 1.

Tình trạng mất cân bằng trong nguồn cung vaccine COVID-19 đang ngày càng trầm trọng trên khắp thế giới. (Ảnh: Reuters)

... kẻ lần chẳng ra"

Đối lập với tình trạng thừa vaccine như tại Mỹ, bức tranh tiêm chủng tại châu Phi u ám hơn nhiều. Cuối tháng 3 vừa qua, Malawi đã nhận hơn 100.00 liều vaccine ngừa COVID-19 từ Liên minh châu Phi. Tuy nhiên, lô vaccine này khi đến Malawi thì chỉ còn hạn sử dụng trong 3 tuần. Thời gian ngắn ngủi, nước này chỉ kịp tiêm hết 80% số vaccine. Hơn 20.000 liều còn lại bị quá hạn, phải tiêu hủy.

Nam Sudan cũng đã bỏ khoảng 59.000 liều vaccine AstraZeneca mà nước này được tài trợ, do số liều vaccine này khi đến nơi chỉ còn 2 tuần là hết hạn sử dụng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc tiêu hủy vaccine hết hạn là "vô cùng đáng tiếc" nhưng chính đáng: "Với quy trình phức tạp cần thiết để xác minh tính ổn định của vaccine, WHO khuyến cáo vaccine COVID-19 trong chuỗi phân phối không nên được sử dụng quá hạn và nên được xử lý an toàn".

Tuy vậy, việc này càng làm nổi bật thêm tình trạng thiếu vaccine tại những nước nghèo trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Nan giải bài toán vận chuyển vaccine từ nơi thừa đến nơi thiếu - Ảnh 2.

Malawi tiêu hủy vaccine hết hạn sử dụng. (Ảnh: Reuters)

Đưa vaccine từ nơi thừa đến nơi thiếu - cuộc chạy đua với thời gian

Các quốc gia phát triển đã tài trợ hàng chục triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc. Nhưng vì nhiều lý do, quá trình này vẫn diễn ra khá chậm. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang tích trữ hàng triệu liều vaccine sắp hết hạn sử dụng, cho biết họ không dễ dàng chuyển chúng cho các quốc gia nghèo hơn.

Theo một ước tính của Liên Hợp Quốc, gần nửa triệu liều vaccine được quyên góp đã hết hạn trước khi có thể được sử dụng ở châu Phi, nơi mà hiện chưa đến 3% dân số được tiêm mũi đầu tiên.

Việc các liều vaccine sắp hết hạn không thể chuyển đến các quốc gia không có đủ vaccine nghe như nghịch lý, tuy nhiên có thể giải thích bằng những thách thức hậu cần và thủ tục nhiêu khê. Nguyên nhân một phần do yêu cầu của các công ty dược phẩm. Các nước phương Tây phải xin phép trước khi quyên tặng vaccine không sử dụng cho các quốc gia nghèo hơn. Theo các nhà sản xuất vaccine, làm vậy là để đảm bảo tính an toàn của các mũi tiêm, trong khi đó các nhà hoạt động xã hội cho rằng, thời gian mới là vấn đề cốt yếu. Đây thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian trong cuộc chiến chống COVID-19.

Nan giải bài toán vận chuyển vaccine từ nơi thừa đến nơi thiếu - Ảnh 3.

Đưa vaccine từ nơi thừa đến nơi thiếu thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian trong cuộc chiến chống COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Ông Prashant Yadav, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu và chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe, cho biết, việc đảm bảo các điều kiện bảo quản vaccine là nỗi lo ngại chính đáng. Ngoài vấn đề hậu cần, việc chuyển những liều vaccine sắp hết hạn này không chỉ phức tạp mà còn gặp phải một số trở ngại pháp lý, bao gồm mối quan ngại của các nhà sản xuất về trách nhiệm pháp lý nếu sản phẩm của họ gây hại ở một quốc gia khác.

Lấy ví dụ từ Mỹ, thông thường, hợp đồng mua bán vaccine COVID-19 sẽ có điều khoản miễn trách nhiệm pháp lý đối với bên sản xuất trong trường hợp xảy ra sự cố khi tiêm. Nhưng nếu Mỹ chia sẻ vaccine cho một quốc gia thứ ba, thỏa thuận miễn trách nhiệm pháp lý sẽ phức tạp hơn. Điều này lý giải vì sao Mỹ phải bỏ phí hàng triệu liều vaccine COVID-19 mà không thể cho những nước khác.

Nan giải bài toán vận chuyển vaccine từ nơi thừa đến nơi thiếu - Ảnh 4.

Cần có một cơ chế cụ thể về việc các quốc gia có lượng vaccine dư thừa cung cấp cho những nước có nhu cầu. (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, có một khoảng cách ngay cả giữa các quốc gia sản xuất vaccine tùy thuộc vào việc có thể ưu tiên nguồn cung trong nước hay không. Ấn Độ, nơi sản xuất vaccine của AstraZeneca, đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu vào cuối tháng 3 do số ca COVID-19 trong nước bùng phát mạnh. Do đó, lượng tồn kho trong nước đã tăng lên khoảng 20 triệu liều.

Tại Hàn Quốc, nơi cũng sản xuất vaccine của AstraZeneca, số người tiêm phòng đã giảm xuống 100.000 người mỗi ngày từ hơn 800.000 người vào đầu tháng 6. Trường hợp này phản ánh quốc gia không thể tự mình quyết định số lượng sản xuất và điểm đến phân bổ.

Các chuyên gia nhận định, cần có một cơ chế cụ thể về việc các quốc gia có lượng vaccine dư thừa cung cấp cho những nước có nhu cầu, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm chủng trên quy mô toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước