Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết quá trình thảo luận đang được tiến hành, nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Ông Hayashi Yoshimasa nói thêm rằng, Nhật Bản không phải là thành viên của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng động thái này gửi đi thông điệp về sự hợp tác ổn định của các đối tác châu Á – Thái Bình Dương với NATO.
Theo báo Nikkei Asia, trong chuyến thăm Tokyo hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lần đầu tiên thảo luận về ý tưởng mở văn phòng liên lạc này với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Văn phòng liên lạc này khi được mở, dự kiến vào năm sau, sẽ tạo điều kiện để NATO tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác an ninh quan trọng trong khu vực như Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
NATO đã thành lập các văn phòng liên lạc tương tự tại Liên hợp quốc ở New York, Ukraine, Vienna, Grudia, Bosnia Herzegovina, Moldova, Kuwait.
Khó có khả năng Nhật Bản gia nhập khối quân sự này
Các nhà quan sát đánh giá, mặc dù NATO có kế hoạch thành lập văn phòng tại Tokyo, nhưng khó có khả năng Nhật Bản gia nhập khối quân sự này, tuy nhiên, văn phòng được thành lập sẽ là biểu tượng đánh dấu một giai đoạn mới trong hoạt động tăng cường hợp tác của hai bên, trên cơ sở là đối tác chia sẻ các giá trị chung. Kế hoạch này cho thấy, ngoài mối quan tâm chính là châu Âu, thì NATO cũng đang hướng sự quan tâm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 1 cũng thừa nhận rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể tác động đến anh ninh châu Âu. Bên cạnh đó, sự tăng cường hợp tác của Tokyo và NATO được cho là cơ hội để Nhật Bản mở rộng vai trò và hoạt động của lực lượng phòng vệ hơn nữa, thực hiện quyền "phòng thủ tập thể" và có nhiều đồng minh hơn trong giải quyết các thách thức an ninh mới.
Theo các nhà phân tích, việc thành lập văn phòng của NATO tại Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, nhưng sẽ dẫn đến sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga, hai nước này đã cảnh báo, việc NATO mở rộng ảnh hưởng sang châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trung Quốc cảnh báo kế hoạch mở rộng của NATO ở châu Á
Trước thông tin về kế hoạch đặt văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, châu Á không nên trở thành đấu trường của sự cạnh tranh địa chính trị, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực cần cảnh giác cao độ.
Bắc Kinh cho rằng, việc NATO mở rộng sang châu Á - Thái Bình Dương sẽ làm ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với CNN, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cũng nhấn mạnh, khả năng mở văn phòng đại diện của NATO tại Nhật Bản không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Báo chí châu Âu: Việc NATO lập văn phòng tại Nhật Bản ít có ý nghĩa thực tiễn
Báo chí châu Âu có bài nhận định rằng, việc lập văn phòng tại Nhật Bản ít có ý nghĩa thực tiễn. Từ góc độ quân sự, hải quân và không quân NATO khó có thể đóng góp một cách có ý nghĩa vào việc răn đe trong khu vực châu Á - Thái bình dương. Chỉ có hai đồng minh châu Âu là Pháp và Anh duy trì sự hiện diện hàng hải thường xuyên trong khu vực này, nhưng Pháp và Anh cũng không có khả năng triển khai tàu khu trục trong một thời gian dài.
Tương tự như vậy, không quân NATO không thể triển khai sức mạnh trên một khoảng cách xa đến như thế, vì có ít máy bay có thể tấn công tầm xa, chưa kể đến các hỗ trợ mà không quân cần đến, chẳng hạn như tiếp nhiên liệu trên không, khả năng trinh sát và giám sát.
NATO và Nhật Bản đang có nhiều kế hoạch để nâng cấp hợp tác, không chỉ là tăng cường tham vấn, mà còn đẩy mạnh hợp tác trong việc giải quyết các mối đe dọa trên mạng, phối hợp lập trường về các công nghệ mới nổi và mang tính đột phá... Các kế hoạch nói trên đã được cả quan chức Nhật Bản và NATO xác nhận.
Bối cảnh địa chính trị đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi NATO đưa ra khái niệm chiến lược vào năm 2010, đó là lý do NATO hiện coi trọng việc duy trì quan hệ với 4 đối tác an ninh ở khu vực châu Á - TBD (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand). Giới chuyên gia nhận định, văn phòng liên lạc của NATO đặt tại Nhật Bản cũng sẽ mở rộng tiếp cận với các quốc gia có vai trò quan trọng khác trong khu vực, như Ấn Độ và các nước ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!