Nền kinh tế toàn cầu đang "hụt hơi", viễn cảnh kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 24/04/2022 09:45 GMT+7

VTV.vn - Trước khi Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhóm họp trong tuần này, họ đều đưa ra cảnh báo: Nền kinh tế toàn cầu đang "hụt hơi".

Khủng hoảng Nga - Ukraine gây ảnh hưởng không nhỏ lên chuỗi cung ứng

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,6% trong cả năm 2022 và 2023, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với dự báo hồi tháng 1. Trong các nền kinh tế lớn, năm nay, IMF dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 3,7%, Trung Quốc là 4,4%. GDP khu vực Eurozon giảm xuống mức -2,8%, Nga là -8,5%, Ukraine là -35%.

IMF và Ngân hàng Thế giới cùng đánh giá, cuộc xung đột Nga - Ukraine trở thành mối đe dọa mới. Cùng với hậu quả lâu dài của đại dịch COVID-19, viễn cảnh kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn.

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá: "Thứ nhất, cần chấm dứt xung đột ở Ukraine. Thứ hai, tiếp tục đối phó với đại dịch bằng các công cụ toàn diện gồm vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị chống virus được triển khai ở khắp nơi. Thứ ba, giải quyết lạm phát và nợ. Các ngân hàng trung ương nên hành động quyết đoán hơn".

Nền kinh tế toàn cầu đang hụt hơi, viễn cảnh kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn - Ảnh 1.

143 quốc gia trên thế giới đã phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng theo hướng giảm. WB lưu ý về các khoản nợ khổng lồ và lạm phát là hai vấn đề lớn thách thức tăng trưởng toàn cầu. Các nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng, phân bón, thực phẩm tăng đột biến. Một quỹ viện trợ trị giá 170 tỉ USD được WB đề xuất triển khai nhằm hỗ trợ các nước nghèo. Tổ chức này cũng kêu gọi cơ cấu lại nợ cho các nước đang phát triển.

Ông David Malpass - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích: "Dữ liệu cho thấy các khoản nợ lớn được tích tụ ở các quốc gia nghèo nhất. Điều quan trọng là quá trình giải quyết phải bắt đầu sớm. Sri Lanka đang phải đối mặt với vấn đề đó. Cần khẩn trương có giải pháp cho vấn đề lãi suất tăng, gia tăng áp lực nợ cho các nước đang phát triển.

Thách thức với các nền kinh tế đang phát triển

Nhiều quốc gia đang phát triển đứng trước áp lực không nhỏ. 10 năm qua, nhiều nước đã gia tăng vay nợ nhằm đối phó với hệ quả cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Hiện tại, lãi suất đang có xu hướng tăng lên. Theo như lời Chủ tịch Ngân hàng thế giới, gánh nặng giá nhiên liệu, phân bón, thực phẩm và có thể sẽ là lãi suất, tất cả đều sẽ có ảnh hưởng lớn và gây những lo ngại sâu sắc tới các quốc gia đang phát triển.

Nền kinh tế toàn cầu đang hụt hơi, viễn cảnh kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn - Ảnh 2.

Vừa bước ra khỏi khủng hoảng COVID-19, thế giới lại va vào một cuộc khủng hoảng kinh tế khác. Cuộc chiến tại Ukraine nổ ra đã cản trở tiến trình phục hồi của hầu hết các nền kinh tế. Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đều đưa ra một cảnh báo: Nền kinh tế toàn cầu đang hụt hơi.

Ông David Malpass nói: "Cuộc chiến ở Ukraine và tình trạng phong tỏa COVID-19 ở Trung Quốc đang làm con đường phục hồi khó hơn. Chiến tranh ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và tài chính, các mối liên kết thương mại. Các nền kinh tế tiên tiến với hệ thống bảo trợ xã hội phát triển đang hỗ trợ người dân của họ khỏi thiệt hại do lạm phát và tắc nghẽn thương mại. Nhưng các nước nghèo hơn có nguồn lực tài chính hạn chế và hệ thống yếu thì đang rất cần hỗ trợ".

Theo IMF, tổng vay nợ của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình trên thế giới đã tăng lên 256% GDP, mức chưa từng thấy kể từ hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20. Nhiều nước đang phát triển đã tích lũy núi nợ trong suốt thập niên qua, đặc biệt là trong hai năm vừa rồi khi họ cần nguồn tài chính để trang trải cho các chi phí của đại dịch COVID-19.

Theo ông Vitor Gaspar - Giám đốc các vấn đề tài khóa của Quỹ Tiền tệ quốc tế: "Hệ thống giám sát tài chính đang chú ý tới rủi ro nợ chính phủ. Gần 60% các nước đang phát triển có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh vỡ nợ hoặc có nguy cơ cao vỡ nợ".

Nền kinh tế toàn cầu đang hụt hơi, viễn cảnh kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn - Ảnh 3.

Đối với các nước đang phát triển, tiến trình phục hồi đang bi phủ bóng bởi nhiều khó khăn hơn. Chi phí lương đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua. Giá năng lượng, và lãi suất đều đang trong xu hướng tăng, gây thêm áp lực cho cuộc sống. "Tình hình hiện tại có thể được gọi là khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng. Đáng chú ý là lương thực quan trọng như thế nào trong ngân sách của các hộ gia đình ở các nước nghèo, có thể lên đến 60% ở một số nước. Các quốc gia thu nhập thấp là những quốc gia có không gian tài khóa hạn chế nhất. Điều này cho thấy mức độ cấp bách của tình hình an ninh lương thực ở các quốc gia này".

Ông Pierre-Olivier Gourinchas - Nhà kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng: "Các chính phủ có thể giảm nhẹ tác động từ việc giá cả tăng bằng các giải pháp hỗ trợ bộ phận dân số dễ bị tổn thương, trong đó có các giải pháp như chiết khấu hóa đơn dịch vụ thiết yếu hoặc hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình nghèo".

Để hỗ trợ các nước đối phó lạm phát gia tăng cũng như căng thẳng tài chính nghiêm trọng do nợ tăng cao, Ngân hàng Thế giới sẽ xây dựng một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD trong 15 tháng tới để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất đang chịu hưởng từ nhiều cuộc khủng hoảng. Đây là cam kết hỗ trợ tài chính lớn nhất từ trước tới nay của Ngân hàng Thế giới.

Vai trò châu Á trong phục hồi kinh tế

Diễn đàn hàng năm châu Á Bác Ngao diễn ra từ ngày 20 đến 22/4 tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, với chủ đề "Dịch bệnh và thế giới: Chung tay thúc đẩy phát triển toàn cầu, xây dựng tương lai chung". Một trong những nội dung được thảo luận nhiều là vai trò của châu Á trong phục hồi nền kinh tế khu vực và thế giới. Châu Á đi đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu… được kỳ vọng sẽ là động lực cho phục hồi nền kinh tế toàn cầu trong tình hình thế giới biến động khôn lường.

Nền kinh tế toàn cầu đang hụt hơi, viễn cảnh kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn - Ảnh 4.

Trung Quốc vừa duyệt danh sách 666 doanh nghiệp là các tập toàn đa quốc gia, doanh nghiệp nội địa trọng yếu để sản xuất trở lại ngay cả khi Thượng Hải vẫn còn phong tỏa. Đó là công ty hàng đầu Trung Quốc về sản xuất chip SMIC, Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC Motor), các tập đoàn đa quốc gia Tesla, Volkswagen… Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp cho quá trình sản xuất bình thường ở Trung Quốc cũng như tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc - công xưởng thế giới có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo dõi diễn đàn, ông Marcos Troyjo, Chủ tịch Ngân hàng phát triển mới (NDB( nhấn mạnh vai trò toàn cầu hóa ngày càng quan trọng. "Trong ba - bốn thập kỷ qua, châu Á thực sự đã trở thành kinh tuyến địa kinh tế toàn cầu. Đó không chỉ là do thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc mà 35 năm qua Trung Quốc với vai trò ngày càng quan trọng là công xưởng sản xuất của thế giới. Giờ đây, với sự phát triển hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nước ngày càng chạy đua trong nâng cao sức mạnh trên toàn cầu".

Diễn đàn cũng công bố Báo cáo "Triển vọng kinh tế và Quá trình hội nhập của châu Á" trong đó nhấn mạnh các nền kinh tế châu Á vượt trội so với các khu vực trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này chứng tỏ chuỗi sản xuất khu vực không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh và căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung.

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF: " Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với sự phục hồi toàn cầu, nước này có thể hỗ trợ nhiều hơn về chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó chuyển trọng tâm hỗ trợ sang các hộ gia đình dễ bị tổn thương để tăng cường tiêu dùng, dùng chính sách hướng hoạt động kinh tế vào các lĩnh vực carbon thấp hơn".

IMF hạ tăng trưởng kinh tế toàn cầu IMF hạ tăng trưởng kinh tế toàn cầu WTO: Căng thẳng Nga - Ukraine 'giáng đòn mạnh' vào nền kinh tế toàn cầu WTO: Căng thẳng Nga - Ukraine "giáng đòn mạnh" vào nền kinh tế toàn cầu Kinh tế toàn cầu trước 'mối lo kép' lạm phát và suy thoái Kinh tế toàn cầu trước "mối lo kép" lạm phát và suy thoái

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước