Đề xuất này sẽ khiến New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên đánh thuế lên nông dân đối với các loại khí do vật nuôi của họ thải ra.
New Zealand chỉ có 5 triệu dân nhưng có khoảng 10 triệu con gia súc và 26 triệu con cừu. Gần một nửa tổng lượng phát thải khí nhà kính của nước này đến từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, chủ yếu ở dạng khí methane.
Khí thải nông nghiệp trước đây được miễn trừ khỏi kế hoạch buôn bán phát thải của nước này, dẫn đến những chỉ trích về nỗ lực của Chính phủ New Zealand trong việc làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu.
Khí methane có sức nóng gấp hơn 80 lần so với carbon dioxide trong 20 năm đầu tiên của nó trong khí quyển. Vì vậy, cắt giảm khí methane là một biện pháp hiệu quả để làm chậm tình trạng nóng lên trong ngắn hạn.
Hơn 85% tổng lượng khí thải methane của New Zealand đến từ hai nguồn nông nghiệp gồm dạ dày động vật và phân động vật, chiếm tới 97%.
Ở bò, hầu hết (95%) khí methane được thở ra, trong khi 5% được thải ra do đầy hơi.
Theo kế hoạch dự thảo do cơ quan Chính phủ New Zealand và đại diện nông dân soạn thảo, nông dân sẽ phải trả tiền cho loại khí thải này từ năm 2025.
"Hệ thống định giá khí thải cho nông nghiệp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phương cách chúng tôi đạt được điều đó", Bộ trưởng Bộ biến đổi khí hậu James Shaw cho biết.
Đề xuất bao gồm các biện pháp khuyến khích nông dân giảm lượng khí thải thông qua các chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi, trong khi lâm nghiệp nông trại có thể được sử dụng để bù đắp lượng khí thải. Doanh thu từ chương trình sẽ được đầu tư vào các dịch vụ nghiên cứu, phát triển và tư vấn cho nông dân.
"Khuyến nghị của chúng tôi cho phép sản xuất thực phẩm và chất xơ bền vững cho các thế hệ tương lai, đồng thời đóng góp một phần công bằng vào việc đáp ứng các cam kết về khí hậu của đất nước chúng ta", Michael Ahie, chủ tịch quan hệ đối tác trong lĩnh vực chính He Waka Eke Noa, cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!