Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Ria Novosti)
Phát biểu ngày 9/9 tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, liên minh được thành lập trên cơ sở lợi ích của một nhóm nước sẽ không thể thành công. Ông đồng thời lưu ý rằng, liên minh này dựa trên lợi ích của một số nước nhất định, dự định sẽ vô hiệu hóa mối đe dọa từ IS bằng ý thức hệ và tư tưởng đối đầu.
Ngoại trưởng Lavrov lo ngại rằng việc Mỹ có thể không kích Syria mà không cần sự cho phép của Damascus sẽ làm suy yếu quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng hợp tác với các nước phương Tây để chống chủ nghĩa cực đoan vì Nga là một thành viên có trách nhiệm của Hội đồng Bảo an LHQ chứ không phải vì đầu hàng trước những tối hậu thư của IS.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO ở xứ Wales, Vương quốc Anh, ngày 4/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố các đồng minh và đối tác của NATO đã sẵn sàng tham gia một nỗ lực quốc tế quy mô lớn để chiến đấu chống lại mối đe dọa (IS). Một "liên minh nòng cốt" quy tụ 10 quốc gia (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỹ, Italy, Ba Lan và Đan Mạch) đã được thành lập và tuyên bố sẵn sàng cho các chiến dịch quân sự chống lại IS tại Iraq và Syria.
Liên quan tới đề xuất này, tờ "Wall Street Journal" của Mỹ số ra ngày 9/9 dẫn nguồn tin từ một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ đã đề nghị Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực thành lập liên minh đối phó với IS. Được biết đề xuất được đưa ra trong chuyến thăm Bắc Kinh của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama. Quan chức nói trên cho biết Trung Quốc cũng rất quan tâm tới đề xuất của Mỹ vì Bắc Kinh cũng đang quan ngại về sự lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố ở cả trong nước và ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối đưa ra lời bình luận cụ thể, song cho biết rung Quốc và Mỹ cần đẩy mạnh quan hệ quân sự để giúp tránh những hiểu lầm và duy trì sự ổn định tại khu vực.
Trong khi đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ về một liên minh quốc tế chống IS, Chủ tịch các nước thuộc Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ chính phủ mới của Iraq trong cuộc chiến chống lại lực lượng phiến quân Hồi giáo này. Quan chức này nhấn mạnh các nước, các khu vực phải tăng cường phối hợp và hỗ trợ Baghdad để tăng hiệu quả cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo.
Trước đó, Hội nghị Ngoại trưởng AL nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) cuối tuần qua tuyên bố sẵn sàng hợp tác với tất cả các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm chống lại IS - lực lượng được xác định là "thách thức chưa từng có" đối với sự tồn vong của các quốc gia thành viên. Đặc biệt, AL nhất trí ngăn chặn các nguồn cung cấp vũ khí và tài chính cho IS, qua đó buộc một số quốc gia thành viên như Saudi Arabia và Qatar đoạn tuyệt các hợp đồng "đi đêm" vốn góp phần vào sự bành trướng không ngừng của nhóm phiến quân này chỉ trong vòng một năm qua.
Với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ rộng lớn hơn nữa của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến với IS, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 9/9 đã lên đường tới Trung Đông, dự kiến sẽ chủ trì cuộc họp với Ngoại trưởng của 10 nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia. Phát biểu với báo giới trước chuyến thăm, ông kêu gọi các quốc gia ủng hộ nỗ lực này bằng các phương tiện quân sự, viện trợ nhân đạo, chặt đứt nguồn viện trợ của nhóm IS.