Tàu của Hạm đội Thái Bình Dương đang bắn một tên lửa hành trình Moskit vào mục tiêu giả định trên biển Nhật Bản, ngày 28/3. (Ảnh: Reuters)
Trong thông cáo trên tài khoản Telegram, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, trên các vùng biển thuộc Biển Nhật Bản, nhiều tàu trang bị tên lửa của Hạm đội Thái Bình Dương đã phóng tên lửa hành trình Moskit đánh trúng mục tiêu giả định ở vị trí cách xa khoảng 100 km.
Trước đó, vào ngày 3/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, tàu ngầm Petropavlovsk-Kamchatsky của nước này đã được triển khai tại biển Nhật Bản thực hiện phóng tên lửa hành trình Kalibr nhằm vào mục tiêu trên bờ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đây là một phần trong nội dung diễn tập của lực lượng quân đội Nga, đồng thời đã đăng tải video cho thấy, tên lửa Kalibr-PL được phóng từ dưới nước và bắn trúng mục tiêu định trước ở thao trường Siurkum, tỉnh Khabarovsk. Tầm bắn của tên lửa là hơn 1.000 km.
Moskit là tên lửa hành trình chống hạm tầm thấp siêu thanh với hệ thống động cơ phản lực không khí được bắt đầu phát triển vào năm 1973. Đây là loại tên lửa được thiết kế nhằm tiêu diệt các tàu mặt nước với lượng giãn nước lên tới 20.000 tấn trong điều kiện chống trả các phương tiện tấn công điện tử, hỏa lực hiện đại và đầy tiềm năng của đối phương. Tầm bắn của tên lửa này từ 10 km đến 120 km theo quỹ đạo tầm thấp và 250 km với cấu hình bay ở độ cao lớn.
Tên lửa Moskit của Nga được NATO định danh là Cháy nắng (Sunburn), có tốc độ rất cao - gần gấp 3 lần tốc độ âm thanh, vì thế rất khó bị đánh chặn. Ngoài ra, Moskit bay ở độ cao rất thấp (khoảng 20 mét) và khi tiếp cận gần đến mục tiêu, nó tự hạ độ cao xuống còn 7 mét. Mặc dù đây không phải là loại vũ khí hiện đại nhất do Nga đã dừng sản xuất từ năm 2014, nhưng ở phương Tây vẫn chưa có loại tên lửa nào với những tính năng tương tự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!