Ngày 4/3, hãng tin Bloomberg dẫn lời một nguồn tin ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra thông tin trên.
Sau khi nổ ra chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga với hy vọng "làm suy yếu nền kinh tế nước này." Tuy nhiên, theo Bloomberg, các phân tích dữ liệu thương mại cho thấy, "tác động thực sự ở một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với những gì giới chức phương Tây có thể đã hy vọng".
Theo nguồn tin của Bloomberg, bất chấp những hạn chế xuất khẩu của EU đối với "hàng trăm hàng hóa và công nghệ", Nga vẫn nhận được hầu hết hàng hóa mà mình cần, chủ yếu thông qua tái xuất khẩu từ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập và Trung Quốc.
Bloomberg chỉ ra rằng bề ngoài, các biện pháp trừng phạt Nga dường như có hiệu quả khi nền kinh tế Nga bị thu hẹp, nhiều ngân hàng và công ty của nước này bị loại khỏi các hệ thống thương mại và tài chính quốc tế. Tuy nhiên, Moscow đã thay thế hầu hết các sản phẩm mà họ cần, kể cả những sản phẩm công nghệ cao.
Bloomberg lấy ví dụ Kazakhstan, trước khi bắt đầu xung đột đã xuất khẩu các chất bán dẫn trị giá 12.000 USD sang Nga mỗi năm, nhưng đã tăng xuất khẩu lên 3,7 triệu USD trong năm 2022.
Trong số các quốc gia khác đã tăng xuất khẩu sang Nga hàng nghìn phần trăm mỗi năm có Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia. Vì vậy, nếu vào năm 2021 Moscow đã mua các vi mạch và mạch tích hợp tiên tiến từ EU và Mỹ với trị giá trung bình 163 triệu USD, năm 2022, số tiền này giảm xuống còn khoảng 60 triệu USD, trong khi Đông Âu và Trung Á giúp Nga lấp đầy khoảng trống bằng cách tăng mua các linh kiện công nghệ cao từ phương Tây với trị giá tương tự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!