Văn bản được thông qua tại Nghị viện châu Âu (EP) với 560 phiếu thuận, 35 phiếu chống sẽ có hiệu lực từ năm 2021.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans biết châu Âu không phải là nguồn ô nhiễm nhựa tồi tệ nhất, nhưng biện pháp tiên phong này có thể đóng vai trò là mô hình kiểu mẫu cho thế giới. Theo ông, các nước châu Á rất quan tâm đến những gì EU đang làm. Các nước Mỹ Latin cũng vậy.
Ngoài lệnh cấm đối với hàng chục loại sản phẩm nhựa dùng một lần, EU cũng khuyến khích các quốc gia thành viên giảm sử dụng các loại bao bì bằng nhựa và đưa ra các quy tắc về nhãn mác chặt chẽ hơn.
EU đặt mục tiêu 90% các loại chai nhựa sẽ được thu gom để tái chế vào năm 2029. Loại bao bì này sẽ được sản xuất với 25% vật liệu tái chế vào năm 2025 và nâng lên thành 30% vào năm 2030.
Quy định mới của EU chú trọng quy tắc là những người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm chi trả cho việc dọn dẹp, đặc biệt đối với các nhà sản xuất thuốc lá vì họ sẽ phải gánh chi phí cho việc tái chế các đầu lọc bị vứt bỏ.
Theo ước tính của EC, các sản phẩm bị cấm theo luật chiếm khoảng 70% chất thải đổ ra đại dương trên hành tinh, gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ động vật hoang dã và nghề cá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!