Nhà khoa học Iran bị ám sát quan trọng đến mức nào?

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 01/12/2020 06:00 GMT+7

Hiện trường vụ sát hại nhà khoa học Fakhrizadeh ngày 27/11. Ảnh nhỏ: ông Fakhrizadeh - Ảnh: Reuters

VTV.vn - Nhiều nhà phân tích đã so sánh tầm quan trọng của ông Mohsen với vị tướng nổi tiếng Soleimani - người cũng bị ám sát hồi đầu năm.

Vụ nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh của Iran bị ám sát hôm thứ 6 vừa rồi đang được thế giới đặc biệt quan tâm. Trước hết là bởi chưa tròn 1 năm, Iran đã mất đi 1 vị tướng cấp cao và 1 nhà khoa học hàng đầu, đều trong các vụ tấn công rất bất ngờ. Thứ hai là có quá ít thông tin về vụ việc vừa xảy ra. Nhóm ám sát là ai? Chi tiết quá trình ám sát ra sao? Chưa ai có thể khẳng định. Và đặc biệt nữa, nhà khoa học Fakhrizadeh là người quan trọng đến mức nào?

Ông Mohsen Fakhrizadeh được cho là khoảng 60 tuổi khi bị ám sát. Trái ngược với thông tin từ giới tình báo nước ngoài, truyền thông nhà nước Iran rất hiếm khi đề cập đến ông, thậm chí, đôi khi ông được mô tả là một giáo sư đại học.

Phương Tây thì cho rằng ông Fakhrizadeh là người phụ trách chương trình điều phối vũ khí hạt nhân bí mật của Iran. Đó là kế hoạch Amad đã dừng lại năm 2003. Người đàn ông này luôn được bảo vệ cẩn mật và chưa bao giờ các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc có thể tiếp cận.

Ông nằm trong số 8 người Iran bị hạn chế đi lại và tài chính theo một nghị quyết của LHQ được thông qua năm 2007, do những cáo buộc cho rằng ông Fakhrizadeh liên quan đến các nghiên cứu hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo.

Nhà khoa học Iran bị ám sát quan trọng đến mức nào? - Ảnh 1.

Linh cữu của ông Fakhrizadeh tại đền thờ Imam Reza ở Mashhad ngày 29/11. Ảnh: Reuters

Hồi năm 2008, Thủ tướng Israel từng nhắc đến ông Fakhrizadeh, gọi là "người đàn ông trong bóng tối" trong nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Phía Israel cho rằng sau khi chương trình AMAD dừng lại năm 2003, ông Mohsen Fakhrizadeh vẫn tiếp tục làm việc cho một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Iran trong các "dự án đặc biệt".

Nhiều nhà phân tích đã so sánh tầm quan trọng của ông Mohsen với vị tướng nổi tiếng Soleimani - người cũng bị ám sát hồi đầu năm. Họ cho rằng "thâm niên và uy tín của hai người này ở Iran là như nhau, dù làm việc trong lĩnh vực khác nhau.

Vụ việc càng làm rõ hơn hình thái đối đầu tại Trung Đông hiện nay

Đã không có một cuộc chiến bùng nổ tại Trung Đông, nhưng nếu nói về đối đầu thì giới quan sát của Trung Đông cho rằng, Iran thực ra đã làm khá nhiều. Ngay hôm 29/11, lực lượng Houthi thân Iran tuyên bố đã phóng tên lửa đạn đạo vào một căn cứ quân sự của Saudi Arbia, khiến 15 chỉ huy và binh sĩ thương vong. Riyadh chưa đưa ra phản ứng chính thức về vụ việc, nhưng có thể thấy Trung Đông đã và vẫn luôn bị đặt trong trạng thái căng thẳng thường trực.

Vụ việc nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát, thực tế đã càng làm nổi rõ hơn hình thái đối đầu tại Trung Đông hiện nay. Đó là sẽ không có chiến tranh lớn, nhưng mọi sự có thể diễn ra rất bất ngờ như một vụ ám sát, một vụ tấn công tên lửa. Các hành động được thiết kế làm sao để đối phương đủ thấm đòn, nhưng không quá mức, buộc các bên phải lao vào một cuộc chiến tranh.

Ngoài việc tuyên bố đáp trả cứng rắn và cho rằng Israel đứng sau vụ ám sát Fakhrizadeh, thì cũng chưa có thêm nhiều thông tin từ phía Iran.

Nhà khoa học Iran bị ám sát quan trọng đến mức nào? - Ảnh 2.

Tang lễ của ông Fakhrizadeh tại Tehran ngày 30/11. Ảnh: Reuters

Phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng rất thận trọng và ít ỏi

Liên Hợp Quốc lên án vụ ám sát ông Fakhrizadeh, nhưng đồng thời hối thúc kiềm chế để tránh bất kì hành động nào có thể dẫn tới leo thang căng thẳng trong khu vực.

Liên minh châu Âu cho rằng, trong thời điểm không chắc chắn này, điều quan trọng hơn cả là tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế tối đa để tránh căng thẳng không có lợi cho bất kì ai.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Zarif, Ngoại trưởng Qatar cho rằng vụ ám sát vừa rồi chỉ đổ thêm dầu vào lửa trong thời điểm khu vực và cộng đồng quốc tế đang tìm cách để giảm căng thẳng và quay trở lại bàn đối thoại.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất lên án vụ ám sát, kêu gọi các bên tự kiềm chế để tránh đẩy khu vực lên "một nấc thang bất ổn mới.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tình hình hiện tại ở khu vực Trung Đông đang cực kì nhạy cảm và phức tạp. Vì thế, các bên nên hợp tác với nhau để xoa dịu căng thẳng và duy trì hòa bình, ổn định cả khu vực.

Một bộ trưởng của Israel thì khẳng định không che giấu, mà là không hề có thông tin gì về những kẻ đứng sau vụ ám sát ông Fakhrizadeh.

Liên Hợp Quốc kêu gọi kiềm chế sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Liên Hợp Quốc kêu gọi kiềm chế sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran

VTV.vn - Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vừa lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế sau vụ nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát gần thủ đô Tehran.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước