Ông Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản. Ảnh: Reuters UK.
Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của buổi ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng như những lợi ích của Hiệp định này đối với những thành viên kém phát triển hơn như Việt Nam?
Ông Toshimitsu Motegi - Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản: Để có được việc ký kết CPTPP này, dĩ nhiên chúng tôi đã cần đến sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chính phủ Việt Nam. Cần nhắc lại là vào ngày 23/1/2017, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP. 11 quốc gia còn lại đã tiếp tục thảo luận và cố gắng để đúng một năm sau, vào ngày 23/1, tại Tokyo, các bên đã thống nhất xúc tiến hiệp định và ngày hôm nay ký kết tại Chile. Tháng 11/2017, Việt Nam và Nhật Bản đã giữ chức đồng chủ tịch hội ghị cấp cao tại Đà Nẵng và cùng nhau vượt qua nhiều thử thách khó khăn. CPTPP là hiệp định với các tiêu chuẩn của thế kỷ 21 tạo ra thương mại và đầu tư theo hình thức mới. Chúng tôi kỳ vọng hiệp định sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn cảm ơn vai trò của Chính phủ Việt Nam.
Về điểm đặc thù của CPTPP, khác với hiệp định tự do song phương, đây là hiệp định đa phương, và nó không chỉ xúc tiến thương mại và đầu tư mà còn giúp định hình nên một xu hướng toàn cầu hoá mới dẫn đến hình thành các dịch vụ và sản phẩm mới, cũng như các cấu trúc thương mại và đầu tư mới. CPTPP sẽ mở rộng thị trường cho Việt Nam và tăng cường đà phát triển của các bạn.
CPTTP được cho là mất đi nhiều ý nghĩa khi không có sự tham gia của Mỹ. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Dù không có Mỹ thì các nước CPTPP vẫn chiếm hơn 13% GDP thế giới, quy mô 10.000 tỷ USD, chiếm 15% kim ngạch thương mại toàn cầu tương đương 5.000 tỷ USD. Đây là một thị trường rất lớn. CPTPP không chỉ mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường châu Á - Thái Bình Dương mà còn tạo ra một nền tảng cao cấp cho thương mại thế kỷ 21, gửi đi một thông điệp tích cực đến các đối tác trong đó có cả Mỹ. Việc ký kết và hiện thực hoá CPTPP cũng sẽ tạo nên sự quan tâm từ các quốc gia khác dẫn đến sự mở rộng quy mô hiệp định trong thời gian tới.
Được coi là nền kinh tế hàng đầu trong CPTTP, Nhật Bản sẽ làm gì để phát huy vai trò đầu tầu của mình?
Chúng tôi rất tự hào khi đã đóng vai trò trung tâm thúc đẩy việc ký kết CPTPP. Nhưng chúng tôi cũng vô cùng biết ơn sự hỗ trợ toàn diện của Việt Nam. Từ nay đến khi hiệp định có hiệu lực sẽ có thêm nhiều vấn đề phải giải quyết. Và để giải quyết các vấn đề này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên. Cho đến nay, Nhật Bản đã giữ vai trò cầu nối liên lạc giữa các bên, và chúng tôi dự định sẽ tiếp tục đóng vai trò này trong thời gian tới.
Xin cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!