Ngày 29/8, Chính phủ Nhật Bản đã công bố Sách Trắng về kinh tế và tài chính công cho năm tài khóa hiện tại. Theo Sách Trắng về kinh tế và tài chính công của Nhật Bản, giá cả và tiền lương đã bắt đầu tăng và kinh tế Nhật Bản đang ở một bước ngoặt của cuộc chiến chống giảm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống, đã tăng 3,1% trong tháng 7. Tổng thu nhập bằng tiền mặt trong tháng 6 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái và điều này được phản ánh qua mức lương danh nghĩa.
Sách Trắng nhận thấy rằng, ngoài việc ứng phó với giá cả cao, cung cầu lao động thắt chặt cũng đang đẩy tiền lương lên cao. Tuy nhiên, tài liệu cũng cho biết giá cả tăng cao đang đè nặng lên tiêu dùng, chủ yếu ở các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Trong khi ở ngành dịch vụ, mặc dù số lượng mặt hàng tăng giá nhưng nhiều mặt hàng vẫn ở mức gần 0% so với cùng tháng năm trước và tốc độ tăng chậm. Do đó, cần thiết phải tăng năng suất và duy trì mức tăng lương.
Bên cạnh đó, giới chức Nhật Bản cho rằng, tình trạng giảm phát vẫn chưa kết thúc và đây sẽ là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Sách Trắng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản nỗ lực loại bỏ tư duy giảm phát lâu đời và tăng giá cũng như tiền lương theo những cách bền vững.
Triển vọng thoát khỏi giảm phát
Như Sách Trắng kinh tế vừa công bố của Nhật Bản cho rằng, giá cả và tiền lương tăng có thể mang đến bước ngoặt cho vấn đề giảm phát của Nhật Bản sau nhiều năm. Quan điểm này cũng giống với quan điểm của Ngân hàng trung ương Nhật Bản là sẽ tạo ra lạm phát ổn định và thúc đẩy tăng lương phù hợp với tốc độ tăng giá tiêu dùng.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho rằng, hiện còn quá sớm để nói về việc Nhật Bản hoàn toàn thoát khỏi tình trạng giảm phát vốn kéo dài nhiều năm qua, vì theo Ngân hàng này lạm phát hiện nay chỉ là lạm phát đẩy do thiếu nguồn cung và giá năng lượng tăng cao, do đó cần phải có chính sách duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, hướng tới mục tiêu lạm phát ổn định 2%, đảm bảo nền kinh tế nước này sẽ không còn quay lại với thời kỳ giảm phát.
Cân bằng giữa thoát giảm phát và tăng trưởng bền vững
Theo dự báo gần nhất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, lạm phát trung bình trong năm tài khóa 2023 của nước này có thể là 2,5% sau đó sẽ giảm xuống dưới 2% trong hai năm tiếp theo khi mà nguồn cung và giá năng lượng ổn định trở lại; trên cơ sở lạm phát chưa ổn định thì chính sách nới lỏng tiền tệ là cần thiết để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Theo các nhà phân tích, vấn đề của Nhật Bản không phải là lạm phát tăng cao, lạm phát của Nhật Bản đang thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế khác, vấn đề là người dân Nhật Bản đã quá quen với giảm phát kèo dài và việc tăng lương cho người lao động tại nền kinh tế số 3 thế giới đang không theo kịp tốc độ lạm phát, do đó mới gây áp lực lớn đến chi tiêu của các hộ gia đình.
Một số biện pháp trợ cấp được đưa ra, nhưng theo đánh giá đây chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp lâu dài mà Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản muốn thực hiện đó là thúc đẩy các doanh nghiệp tăng lương cho nhân viên để giảm bớt áp lực lạm phát và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, trụ cột chiếm đến 50% GDP của Nhật Bản.
Kể từ khi Nhật Bản tuyên bố rơi vào tình trạng giảm phát vào năm 2001, Chính phủ Nhật Bản đã xem việc kết thúc xu hướng giảm phát là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu. Trọng tâm này đã dẫn đến nhiều năm chi tiêu tài chính lớn để thúc đẩy nền kinh tế và gây áp lực lên ngân hàng trung ương trong việc duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Trong khi đó, lạm phát và giảm phát, vốn giống như mặt của đồng xu vậy. Lạm phát quá cao thì khiến đồng tiền mất giá, gây sức ép tới người tiêu dùng, nhưng giảm phát thì lại khiến kinh tế trì trệ, đình đốn. Chính vì vậy mà bài toán của Nhật Bản sẽ là làm sao để thoát khỏi giảm phát mà không để lạm phát tăng quá cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!