Nhật Bản nỗ lực xác lập vị thế tại Trung Đông

Anh Phương (PV Đài THVN Thường trú tại Trung Đông)-Thứ tư, ngày 15/01/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Chuyến công du của ông Abe Shinzo được dư luận đặc biệt chú ý. Nó giống như phép thử với nỗ lực xác lập vị thế tại Trung Đông của Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đang ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du Vùng Vịnh 5 ngày. Thời gian gần đây, người ta nhìn thấy vai trò ngày càng tích cực của Nhật Bản tại Trung Đông, từ việc đứng ra làm trung gian hòa giải cho những căng thẳng giữa Mỹ và Iran tới việc điều tàu chiến và máy bay quân sự tới đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại Vùng Vịnh.

Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Vậy nhưng trong các cuộc gặp, lãnh đạo Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Thủ tướng Abe Shinzo đã không giấu diếm ý định tiếp tục đưa mối quan hệ 2 nước lên một tầm cao mới.

Thái tử Các Tiểu Vương quốc ArabThống nhất Mohamed Bin Zayed đánh giá cao vai trò của Nhật Bản trong việc điều tàu chiến và máy bay quân sự tới thực hiện nhiệm vụ tại Vùng Vịnh. Hai nước đã bàn thảo cách thức nâng tầm về chất mối quan hệ trong các lĩnh vực thương mại, quốc phòng và thám hiểm không gian.

Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác mạnh hơn nữa với phía Nhật Bản trong lĩnh vực giáo dục và chuyển giao công nghệ. Đây là những lĩnh vực Trung Đông đang rất trông chờ từ Nhật Bản.

Trong khi đó, Nhật Bản hiện rất cần sự đảm bảo một nguồn năng lượng ổn định từ Trung Đông. 90% dầu mỏ nhập khẩu của Tokyo hiện tới từ các giếng dầu tại Trung Đông, chủ yếu từ Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Đây được xem là nguồn sống cho ngành công nghiệp thịnh vượng của Nhật Bản, khi nước này hầu như không sản xuất được dầu mà phải nhập khẩu.

Những chuyển động của Nhật Bản được cho không đơn thuần chỉ xoay quanh những bài tính về dầu mỏ. Người ta cho rằng, Tokyo đang hành động mạnh mẽ tại Trung Đông còn bởi nước này đang nhìn thấy những cơ hội rất mới tại khu vực này. Cụ thể hơn, đó chính là những cơ hội đến từ quá trình hiện đại hóa nền kinh tế của nhiều quốc gia Trung Đông nhằm chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu dầu mỏ.

Công nghệ giờ đây được nhiều quốc gia tại đây đổ vốn vào đầu tư, xem như đó mới chính là nguồn sống mới của mình. Rõ ràng trong chiến lược đó, Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội với trình độ công nghệ của mình. Nhưng cơ hội sẽ mãi chỉ là cơ hội nếu người ta không biết tận dụng nó. Ở đây, công nghệ của Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng đều là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Nhật Bản không thể chậm chân. Nó lý giải vì sao Thủ tướng Abe Shinzo lại đang bày tỏ mối quan tâm tới Trung Đông hơn bao giờ hết.

Nhưng rõ ràng không chỉ có những bước đi về kinh tế. Nhật Bản còn đang muốn cho thấy vai trò của mình trong cả những vấn đề chính trị của Trung Đông. Liệu Trung Đông có thể kỳ vọng gì vào vai trò trung gian hòa giải của Nhật Bản trong những căng thẳng hiện nay?

Một cuộc khảo sát gần đây tại Saudi Arabia cho thấy, đa phần người dân nước này tin rằng Nhật Bản chính là đối tác phù hợp nhất cho vai trò trung gian hòa giải cho các căng thẳng tại Trung Đông. Một kết quả khá bất ngờ, khiến người ta nhận ra nhiều điều. Thế cục tại Trung Đông từ trước đến nay vẫn tưởng chỉ là cuộc chơi của 2 cường quốc Mỹ và Nga cùng với một số cường quốc khu vực. Tuy nhiên, hóa ra, ở đó vẫn có chỗ cho nhiều đối tác khác của thế giới có thể cùng tham gia nếu như họ biết cách phát huy. Ở đây, Nhật Bản có vẻ như đã nhìn ra lợi thế của mình.

Mỹ hay Nga đang có nhiều can dự tại Trung Đông. Nhưng từ trong sâu thẳm, nhiều quốc gia Trung Đông cũng không muốn bị cuốn vào cuộc đấu tranh lợi ích và cạnh tranh chiến lược giữa 2 cường quốc này. Nhật Bản được nhìn nhận có một vai trò trung lập hơn hẳn, không nằm trong vòng xoáy cạnh tranh chiến lược tại Trung Đông. Nếu vai trò trung gian hòa giải của Nhật Bản được phát huy, đó cũng chính là sức hút, một thứ sức mạnh mềm giúp hỗ trợ Nhật Bản tìm kiếm những cơ hội kinh tế tại Trung Đông.

Chuyến công du này của ông Abe đã được lên kế hoạch trước nhưng sát ngày đã phải cân nhắc kỹ lưỡng bởi tình hình khu vực Trung Đông diễn biến phức tạp. Bởi vậy, nhiều chuyên gia gọi đây là chuyến đi mang thương hiệu "ngoại giao hòa bình".

Dồn sự quan tâm vào Trung Đông là chiến lược được chính phủ Nhật Bản tính đến từ lâu. Trong chuyến thăm Saudi Arabia năm 2013, ông Abe Shinzo đã có bài phát biểu với chủ đề "Sự gắn kết của Nhật Bản với Trung Đông trong một kỷ nguyên của sự hiệp lực, thịnh vượng chung và hợp tác". Trong đó, Thủ tướng Nhật Bản đã kêu gọi 2 bên nhắm tới mục tiêu cao hơn, xa hơn; mong muốn nước Nhật sẽ được coi là một phần của giấc mơ Trung Đông.

Sau Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Thủ tướng Nhật Bản sẽ kết thúc công du này tại Oman.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước