Lời cảm ơn các nhân viên y tế được gắn bên ngoài một bệnh viện ở thành phố New York, Mỹ. (Nguồn: New York Times)
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 20.000 người dân thành phố New York, Mỹ và gây áp lực quá tải lên các nhà xác bệnh viện cũng như các nhà tang lễ lớn hơn bao giờ hết. Để có thể chống đỡ trước cuộc tấn công dữ dội của dịch bệnh, theo Sở Y tế thành phố, các bệnh viện đã thuê hơn 100 người làm việc tạm thời tại các nhà xác.
Và cô sinh viên năm cuối Mariel Sander là một trong số đó. Khi khuôn viên trường đại học khép lại, Sander mong muốn được góp sức mình trong cuộc chiến chống đại dịch của cả nước Mỹ. Cô đã gửi email cho các bệnh viện thành phố cho đến khi được nhận công việc 25 USD mỗi giờ để vận chuyển các thi thể bệnh nhân. Sander đã có buổi trò chuyện cùng Thời báo New York và một cái nhìn hiếm hoi về thực cảnh làm việc tại nhà xác bệnh viện dần được hé lộ phần nào cho công chúng…
Nhà xác tạm thời của thành phố New York, Mỹ tại bến tàu số 39 ở Brooklyn. Nguồn: New York Times
Cô đã gặp phải những khoảnh khắc "ác mộng" khi những chiếc túi chứa thi thể người chết bị rách để lộ ra những phần chân tay không nguyên vẹn, rồi dòng chất lỏng chảy ra các ga trải giường... Thế nhưng, Sander cũng học được các nghi thức thể hiện sự tôn trọng với những thi thể người đã khuất. Cô được dạy cách chăm sóc các cơ thể này, một nghi thức đồng thời thể hiện sự tôn trọng dành cho cả những thành viên trong gia đình đã không thể có mặt tại bệnh viện để nói lời từ biệt với những người thân yêu của họ. Một công việc tác động mạnh đến cả mặt thể chất và tinh thần của cô sinh viên. Khi mang những thi thể đi, đôi lúc cô lại thoáng nhìn năm sinh của họ rồi tự nhẩm xem tuổi họ gần với tầm tuổi bố mình như thế nào.
"Trải nghiệm này đã mang đến cho tôi sự đồng cảm hơn bất kì điều gì tôi từng trải qua". Cô nói.
Những trang nhật ký về những ngày đặc biệt ấy được Sander chia sẻ lại.
Ngày 14/4: "Chào mừng" đến với nhà xác
Lần đầu tiên Sander tận mắt nhìn thấy nhà xác bệnh viện. Đó là một căn phòng nằm gọn trong tầng hầm, có thể chứa được hơn chục thi thể. Thế nhưng ngày hôm nay có đến 90 thi thể cần lưu trữ. Vậy nên hai xe kéo đông lạnh đỗ bên ngoài được dùng như nhà xác tạm thời.
Cô học cách đeo khẩu trang N95 rồi đeo thêm mặt nạ phẫu thuật để che chắn mặt. Sau đó cô đeo thêm hai lớp găng tay và chiếc áo khoác phòng thí nghiệm.
Bên trong nhà xác bao trùm cảm giác lạc lõng giữa những thi thể không nguyên vẹn, những phần tay chân bị cắt cụt, nhau thai hay các mẫu vật khác được lưu trữ để phục vụ nghiên cứu.
Khi điện thoại nhà xác reo lên cũng là lúc cô vận chuyển thi thể đầu tiên. Y tá đặt thi thể vào một chiếc túi trắng. Những nhân viên nhà xác kiểm tra dây đeo cổ tay của thi thể để biết tên bệnh nhân, giúp nhặt đúng xác.
Sander đã cầm một chiếc túi đựng thi thể sai cách và nó bắt đầu rỉ nước ra. Rồi cô học cách cuộn tấm vải mỏng thành một bó và nắm chặt nó bằng tay của mình. Một kỹ thuật viên khác đã làm rơi chiếc túi đựng xác và chất lỏng bắt đầu chảy ra sàn. Sander nhìn đồng hồ trong nỗi kinh hoàng, nghĩ về những khoảng thời gian còn lại và lo lắng việc có thể tiếp xúc với loại virus chết người.
Sau ngày làm việc đầu tiên, Sander nghe thấy bài hát cổ vũ các nhân viên y tế vang lên từ căn hộ cô đang ở tại Manhattan East Village lúc 7 giờ tối. Đôi mắt cô ngấn lệ...
Ngày 16/4: "Tôi sợ lắm"
Sander đứng một mình trong nhà xác. Nó tối đen, chỉ được chiếu sáng bởi chiếc đèn cầm tay mà cô mang theo. Đột nhiên, cô vô tình thấy khuôn mặt một người đàn ông trong chiếc túi đựng xác đang mở. Trái tim cô như rớt xuống. Cô phải nói to lên để tự trấn tĩnh mình nhưng bao quanh vẫn là cảm giác bị lọt thỏm giữa hàng tá xác trên các kệ gỗ xung quanh.
Trong một lần đến phòng bệnh viện đón xác, cô thấy một bệnh nhân lớn tuổi đang ngồi trên giường, bên cạnh là một chiếc giường với thi thể bệnh nhân khác đã được quấn lại.
"Đây là người thứ hai ra đi kể từ khi tôi vào đây. Tôi sợ lắm". Bệnh nhân đó nói.
Trái tim Sander như tan vỡ. Cô muốn an ủi nhưng không biết phải làm thế nào. Họ trò chuyện ngắn ngủi và cô chúc anh mau bình phục. Một cuộc gặp gỡ hiếm hoi bởi vì bệnh nhân cùng phòng với những người không qua khỏi thường đã trong trạng thái bất tỉnh. Khi các nhân viên nhà xác vào phòng, họ thường chỉ nghe tiếng máy thở, bị ngắt quãng bởi tiếp bíp từ màn hình.
Sander cũng chứng kiến cảnh một nhân viên bệnh viện đang di chuyển chính xác của cha mình lên cáng. Cô ngạc nhiên khi thấy đôi tay anh vẫn vững vàng đến như thế nào. Khoảnh khắc ấy khiến cô suy nghĩ: mỗi cơ thể nằm lại ấy đều là người thân của một ai đó…
Sander cảm thấy sợ hãi mỗi lần chuông điện thoại từ nhà xác vang lên.
Ngày 23/4: Một công việc thách thức sức chịu đựng
Sander không còn ngủ ngon giấc vì cô luôn ám ảnh hình bóng một cơ thể nằm trong chiếc túi và làn da bợt của người chết. Thường thi thể chỉ nằm trong nhà xác từ 2-3 ngày. Thế nhưng đợt dịch bệnh này đã khiến những thi thể có khi lưu cữu đến 3-4 tuần. Cô đau lưng vì phải nhấc những xác người lên cáng hay vì khi đẩy cáng qua các hành lang quanh co, cô thường va vào tường.
Ngày 28/4: Sáu thi thể vào buổi trưa
Ngày 1/5: Những bó hoa vàng
Một người thân của đồng nghiệp Sander đã chết tại bệnh viện. Họ trang điểm khuôn mặt người đã khuất, mở túi để gia đình có thể nhìn thấy anh ấy lần cuối và rồi họ đặt những bông hoa màu vàng, tượng trưng cho hy vọng, lên cơ thể anh.
"Người nằm đó cũng có thể là cha, mẹ, em gái tôi vì đại dịch này quá kinh khủng và chúng ta không biết trước được điều gì". Sander nghẹn ngào nghĩ về gia đình.
Thật khó cho cô để gọi điện nói chuyện với bạn bè và chia sẻ rằng một ngày tốt lành ở bệnh viện sẽ là một ngày mà chỉ có 2-3 người ra đi.
Ngày 6/5: "Tình bạn" trong nhà xác
Tình hình trong nhà xác trở nên lạc quan hơn, Sander dần thấy những chiếc giường trống trong phòng cấp cứu. Các nhân viên nhà xác có nhiều thời gian rảnh hơn. Họ bật nhạc trong chiếc iPod cũ và dạy nhau những điệu nhảy. Sander bất giác cảm thấy một cảm giác gắn bó với các nhân viên ở đây như những người bạn.
Ngày 8/5: Lễ kỷ niệm
Khi các nhân viên đang đóng cửa xe tải chở 19 thi thể, một người nào đó đã hát bài Graduation (Tốt nghiệp). Sander đã bông đùa rằng có lẽ đây sẽ là một kỷ niệm còn đáng nhớ hơn cả lễ tốt nghiệp thực tế của cô.
Ngày 15/5: Ngày cuối cùng
Chỉ còn lại 9 thi thể trong nhà xác. Sander được xét nghiệm COVID-19. Cô dành thời gian cuối tuần đó đi dạo quanh khuôn viên trường Columbia cùng với bạn bè. Tất cả đều đeo khẩu trang. Cảm giác như cô trở lại làm sinh viên trong một thoáng.
Ngày 18/5: Trở về nhà
Việc sẽ dự lễ tốt nghiệp trên mạng làm cô buồn... Nhưng bệnh viện lại gọi tới báo tin vui là Sander có kết quả xét nghiệm âm tính. Mẹ cô lái xe vào thành phố đón cô trở về nhà. Thật đúng lúc để cô có thể tham dự lễ tốt nghiệp ngay tại nhà, cùng với gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!