Nhiều nước phản đối Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ mua dầu mỏ của Iran

Theo TTXVN-Thứ tư, ngày 24/04/2019 14:35 GMT+7

(Ảnh minh họa: Reuters)

VTV.vn - Trước quyết định của Mỹ về việc chấm dứt quy chế miễn trừ mua dầu của Iran, nhiều nước đã chỉ trích cũng như cảnh báo những hậu quả từ quyết định này.

Trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích cũng như cảnh báo những hậu quả từ quyết định của Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ mua dầu mỏ của Iran, Pháp cam kết cùng các quốc gia châu Âu khác tiếp tục những nỗ lực để đảm bảo lợi ích kinh tế của Iran theo đúng Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - một phần trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức).

Trong tuyên bố ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ việc Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran là chính sách "gây hấn và thiếu thận trọng". Theo Bộ Ngoại giao Nga, chính sách trên không giúp nâng thêm vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phản đối Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran, đồng thời cảnh báo động thái này có thể làm phương hại đến nhiều nước. Ông Cavusoglu chỉ trích quyết định một phía của Mỹ cũng như việc Washington gia tăng sức ép buộc các bên tuân thủ nguyên tắc của mình.

Trong tuyên bố cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, bà Agnes Von der Muhll tái khẳng định lập trường của nước này sẽ cùng các nước châu Âu khác thực thi cam kết trong JCPOA và sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo Iran bảo toàn những lợi ích kinh tế trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, chừng nào Tehran còn tuân thủ toàn bộ cam kết trong thỏa thuận này. Bà cũng đề cập đến Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại INSTEX được Pháp, Đức và Anh thiết lập và công bố hồi tháng 1/2019. Mặc dù chưa đi vào hoạt động, theo bà, công cụ này sẽ hỗ trợ giao dịch tài chính cho các doanh nghiệp châu Âu có nguyện vọng duy trì quan hệ thương mại với Iran theo luật pháp châu Âu và quốc tế.

Trước đó, ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Washington. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 tới.

Mỹ cảnh báo các nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu mỏ của Iran sẽ bị trừng phạt nếu tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran sau ngày 2/5. Quyết định trên của nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến giá dầu mỏ lên tới mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 trong bối cảnh các nhà nhập khẩu phải chịu sức ép phải dừng mua dầu của Tehran và nguồn cung toàn cầu ngày càng thắt chặt.

Mỹ siết chặt trừng phạt Iran: Tác động ngắn hạn hay dài hạn lên giới đầu tư? Mỹ siết chặt trừng phạt Iran: Tác động ngắn hạn hay dài hạn lên giới đầu tư?

VTV.vn - Tâm lý lo ngại đang bao trùm trên thị trường dầu mỏ thế giới sau khi Mỹ siết chặt trừng phạt Iran.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước