Nước ở tầng trệt lúc này đã dâng tới thắt lưng cô Deborah Torres. Cô chật vật tìm cách thoát khỏi căn nhà tập thể cao ba tầng nằm tại quận Queens, thành phố New York. Có những tiếng kêu cứu vang lên từ dưới tầng hầm, ngay dưới căn phòng của cô, nhưng Torres chẳng thể làm gì để cứu họ. Bản thân cô đang trong tình thế bị nước lũ đe dọa tính mạng. Siêu bão Ida đã tàn phá ngôi nhà mà Torres đang sống và nhấn chìm gia đình người Mỹ gốc Nepal dưới căn tầng chật hẹp kia.
Tiếng kêu cứu mà cô Deborah Torres nghe thấy thuộc về ông Ang Gelu Lama, cùng vợ Mingma Yangji Sherpa và đứa con 19 tháng tuổi Lopsang. Đến Mỹ 14 năm về trước, ông Lama ôm hy vọng đổi đời với "giấc mơ Mỹ", cố gắng tiết kiệm tiền và chấp nhận sống trong căn hộ dưới tầng hầm giá rẻ. Thế nhưng, cơn bão Ida đã cuốn đi tất cả. Những gì còn sót lại chỉ là những mảng tường rơi rãi đầy bụi bẩn, đồ đạc bị lật tung và đồ chơi trẻ em vương vãi khắp sàn. Thi thể của cả ba đã được cảnh sát phát hiện vào rạng sáng ngày 2/9. "Tôi không thể giúp gì cho em mình" – anh trai ông Lama buồn rầu chia sẻ.
Gia đình anh Ernesto Moreno Aguirre may mắn thoát chết sau cơn bão (Nguồn: The Washington Post)
Cách đó không xa, tại tầng hầm của khu dân cư East Elmhurst, anh Ernesto Moreno Aguirre cùng vợ và hai con cũng đang cố gắng chiến đấu với dòng nước. Trước khi toàn bộ căn hầm bị nhấn chìm, người đàn ông này vẫn kịp mang theo lọ đựng tro cốt người cha quá cố và hộ chiếu của cả gia đình. Cả nhà anh may mắn thoát nạn, nhưng tài sản thì chẳng còn gì.
Quận Queens, thành phố New York sau cơn bão Ida (Nguồn: The Washington Post)
Ngay sau 3 giờ đồng hồ siêu bão Ida đổ bộ vào thành phố New York, đã có 49 người thiệt mạng, đa số là người dân sống trong những căn hộ dưới tầng hầm – thứ chưa bao giờ được giới chức Mỹ công nhận là "nhà" một cách hợp pháp. Hầu hết các trường hợp tử vong đều là dân nhập cư từ Trinidad, Nepal, và Trung Quốc. Họ làm những công việc chân tay như bồi bàn, phụ bếp hoặc nhân viên cho các cửa hàng tiện lợi. Và khi việc thuê một căn hộ tử tế tại thành phố gần như là điều không tưởng, lựa chọn duy nhất chỉ có thể là những căn hộ dưới lòng đất.
Câu chuyện của sự thờ ơ xen lẫn tuyệt vọng
Câu chuyện của những nạn nhân sống dưới căn tầng hầm chật hẹp tại New York cho thấy sự thờ ơ xen lẫn tuyệt vọng của những chủ đất bất chấp luật pháp cũng như hệ thống quản lý quá tải của giới chức thành phố khi thực thi các quy định về nhà ở. Đó còn là câu chuyện buồn của những người dân nhập cư khao khát rời khỏi quê hương nghèo khó nhưng rốt cuộc lại rơi vào một tình cảnh vất vả khác. Họ phải làm nhiều công việc cùng một lúc, nhưng rồi cũng chỉ đủ để sống trong những căn hộ dưới tầng hầm.
Các điều tra viên phát hiện rất nhiều những căn hộ dưới tầng hầm vi phạm quy định tại quận Queens (Nguồn: The Washington Post)
"5 trên 6 địa điểm có người thiệt mạng do trận lũ đều là những căn hộ chuyển đổi bất hợp pháp dưới tầng hầm" – Đại diện Ban quản lý nhà ở thành phố Melanie La Rocca cho biết. Thậm chí, sau khi đi kiểm tra hơn 1000 căn hộ, các điều tra viên còn phát hiện rất nhiều những căn hầm khác vi phạm quy định.
Trên thực tế, Sở xây dựng từ năm 2005 đã nhận được nhiều đơn khiếu nại về một số ngôi nhà chuyển đổi nhằm mục đích thương mại bất hợp pháp. Tuy nhiên, vụ việc sau đó đã phải khép lại do điều tra viên không thể tiếp cận hay khám xét ngôi nhà. Giới chức thành phố New York coi đây là những cái bẫy chết người. Có ít nhất 50.000 ngôi nhà như vậy - đa số chỉ có đúng 1 lối ra vào, không cửa sổ và trang thiết bị chống hỏa hoạn. "Ít nhất 100.000 người, hoặc hơn, đang sống trong những căn hộ như thế" - Thị trưởng Bill de Blasio cho biết. "Họ sợ phải giao tiếp vì lo bị đuổi khỏi nhà, hoặc tệ hơn là bị trục xuất".
Ít nhất 100.000 người, hoặc hơn, đang sống trong những căn hộ tầng hầm chật chội tại quận Queens (Nguồn: The Washington Post)
Tuy nhiên, Thị trưởng khẳng định sẽ không để họ trở thành những người vô gia cư. Thay vì trục xuất, ông cho biết sẽ sử dụng mọi nguồn lực của thành phố để giúp các chủ nhà nâng cấp, sửa chữa tầng hầm, bởi theo luật, những căn hộ như vậy cần có cửa sổ và đáp ứng các yêu cầu về không gian tối thiểu. Người kế nhiệm Thị trưởng, ông Eric Adams cũng ủng hộ kế hoạch hỗ trợ chủ đất để hợp pháp hóa nhiều căn hộ.
Thế nhưng, giới chức thành phố New York có lẽ đã chậm trễ trong việc triển khai chính sách trên. Khi nước lũ tràn vào tối ngày 1/9, người dân sống dưới những căn tầng hầm vẫn phải tự lo lấy thân mình. Họ khóc thét, cầu cứu. Một số may mắn thoát được. Số khác thì mắc kẹt lại, mãi mãi.
Những căn hộ dưới tầng hầm thường chỉ có 1 lối ra vào, không cửa sổ và trang thiết bị chống hỏa hoạn (Nguồn: The Washington Post)
Ragendra Shivprasad, chủ một căn nhà tập thể tại phố Hollis (khu Queens) đã xuống tầng hầm ít nhất 2 lần vào đêm ngày 1/9 để cảnh báo bà Phamatee Ramskriet (43 tuổi) và con trai Khrishah Ramskriet (22 tuổi): "Cẩn thận đấy nhé, có thể có lũ đấy". Dẫu vậy, trong lúc vội vã thu dọn đồ đạc bỏ chạy, 2 mẹ con vẫn bị nhấn chìm bởi dòng nước. Theo ông Shivprasad, dù căn hộ dưới hầm này có tới 3 lối vào, song vẫn không thể ngăn được thảm hoạ. "Đó là bi kịch đến từ Mẹ thiên nhiên" - anh Amit Shivprasad, con trai ông Shivprasad nói.
Trước đó, hồi năm 2007, cô Amrita Bhagwandin sống ở ngôi nhà đối diện đã gọi lên tòa thị chính yêu cầu sửa lại các bể chứa nước đề phòng mưa lớn. 13 năm sau, việc xây dựng hệ thống thoát nước ngăn lũ đã được tiến hành, nhưng chừng ấy là không đủ. Bhagwandin cho rằng thành phố nên xử lý vấn đề ngập lụt, thay vì tập trung phá huỷ các căn hộ dưới hầm bất hợp pháp. "Cái chết đang rình rập chúng tôi" - cô Bhagwandin nói.
Người Mỹ chịu thiệt hại lớn từ bão lũ
Ida được đánh giá là siêu bão mạnh nhất đổ bộ vào bang Lousiana kể từ sau siêu bão Katrina cách đây 16 năm khiến hơn 1.800 người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Louisiana và Mississippi, cho phép Bộ An ninh nội địa và Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) điều phối tất cả các nỗ lực cứu trợ thiên tai.
Ida được đánh giá là siêu bão mạnh nhất đổ bộ vào bang Lousiana kể từ sau siêu bão Katrina cách đây 16 năm (Nguồn: The Washington Post)
Ngày 1/9, hơn 1 triệu ngôi nhà và doanh nghiệp vẫn trong tình trạng mất điện; hàng nghìn người phải đi sơ tán. Nạn nhân chính của đợt lũ lần này, mỗi người có một câu chuyện riêng. Điểm chung lớn nhất là họ đều là những người nhập cư làm công ăn lương, thu nhập thấp. Họ chấp nhận ở những vùng dễ tổn thương, bởi khi thuê hay mua nhà, họ chỉ quan tâm liệu mình có đủ tiền chi trả hay không.
Lũ lụt trong những năm vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân Mỹ. Nước biển dâng và lũ lụt có thể cuốn bay 20 tỷ USD từ các hộ gia đình tại Mỹ trong năm nay, thậm chí là tăng lên 32 tỷ USD trong 30 năm tới. Số lượng bất động sản đứng trước nguy cơ rủi ro trong năm nay cũng được dự báo sẽ cao hơn 70% so với ước tính ban đầu của Cơ quan Quản lý Thảm họa Liên bang. Và dĩ nhiên, những căn hầm không đủ điều kiện sinh hoạt sẽ chịu tác động đầu tiên.
Bão Nicholas dự kiến sẽ đổ bộ dọc theo bờ biển miền trung Texas, Mỹ (Nguồn: Reuters)
Theo thông báo mới nhất, Trung tâm Bão quốc gia Mỹ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đón một trận bão nữa mang tên Nicholas dự kiến sẽ đổ bộ dọc theo bờ biển miền trung Texas. Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho biết: "Đây sẽ là cơn bão di chuyển rất chậm, kéo dài trong vài ngày và gây mưa lớn. Người dân cần phải chuẩn bị cho tình huống xảy ra ngập lụt". Cảnh báo khẩn cấp với 17 quận hạt và 3 thành phố trong tiểu bang dọc bờ biển Texas hiện đã được ban bố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!