Những điều cần biết về bệnh cao huyết áp

Quỳnh Chi (Theo Healthline)-Thứ hai, ngày 11/10/2021 09:37 GMT+7

(Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Huyết áp cao hay tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp của bạn tăng đến mức không tốt cho sức khỏe.

Huyết áp cao hay tăng huyết áp là gì?

Việc đo huyết áp tính đến lượng máu đi qua các mạch máu và lượng sức cản mà máu đáp ứng trong khi tim đang bơm máu. Động mạch bị thu hẹp làm tăng độ kháng lại việc bơm máu đi. Động mạch càng hẹp, huyết áp càng cao. Về lâu dài, áp lực gia tăng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả bệnh tim.

Bệnh tăng huyết áp là khá phổ biến. Trên thực tế, vì các hướng dẫn gần đây đã thay đổi nên dự kiến ​gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ sẽ được chẩn đoán mắc chứng này.

Tăng huyết áp thường phát triển trong vài năm. Thông thường, người bệnh không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng, huyết áp cao vẫn có thể gây tổn thương mạch máu và các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não, tim, mắt và thận.

Phát hiện bệnh sớm là điều quan trọng. Việc đo huyết áp thường xuyên có thể giúp người bệnh và bác sĩ nhận thấy bất kỳ thay đổi nào. Nếu huyết áp tăng cao, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh kiểm tra huyết áp trong một vài tuần để xem liệu con số này có tăng hay giảm để trở lại mức bình thường.

Điều trị tăng huyết áp bao gồm cả thuốc theo chỉ định và thay đổi sang lối sống lành mạnh. Nếu tình trạng này không được điều trị, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm đau tim và đột quỵ.

Nguyên nhân gây huyết áp cao?

Có hai loại tăng huyết áp và mỗi loại có một nguyên nhân khác nhau.

Tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp nguyên phát phát triển theo thời gian mà không xác định được nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ cơ chế nào khiến huyết áp từ từ tăng lên. Sự kết hợp của các yếu tố có thể đóng một vai trò nào đó. Các yếu tố này bao gồm di truyền, thay đổi về thể chất (như mắc một bệnh lý nào đó), môi trường (ví dụ lối sống không lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất và chế độ ăn uống nghèo nàn). Lựa chọn lối sống có thể dẫn đến các vấn đề về cân nặng. Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.

Những điều cần biết về bệnh cao huyết áp - Ảnh 1.

Có hai loại tăng huyết áp gồm tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. (Ảnh: AP)

Tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát thường xảy ra nhanh chóng và có thể trở nên trầm trọng hơn tăng huyết áp nguyên phát. Một số tình trạng có thể gây tăng huyết áp thứ phát bao gồm bệnh thận, khó thở khi ngủ, dị tật tim bẩm sinh, vấn đề với tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc, sử dụng ma túy, lạm dụng rượu hoặc uống rượu mãn tính, vấn đề về tuyến thượng thận, một số khối u nội tiết.

Các triệu chứng của tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp nói chung thường phát triển âm thầm, nhiều người sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Có thể mất nhiều năm hoặc thậm chí hàng hàng chục năm để tình trạng bệnh đạt đến mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng trở nên rõ ràng. Thậm chí sau đó, những triệu chứng này có thể được cho là do các vấn đề khác.

Các triệu chứng của tăng huyết áp nặng có thể bao gồm đau đầu, khó thở, chảy máu cam, nóng bừng mặt, chóng mặt, tức ngực, thay đổi ngoại hình, có máu trong nước tiểu.

Nếu có những triệu chứng này, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Các triệu chứng có thể không xảy ra ở tất cả những người bị tăng huyết áp, nhưng việc chờ đợi triệu chứng của tình trạng này xuất hiện có thể là đã quá muộn, dẫn đến tử vong. Cách tốt nhất để biết có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp thường xuyên.

Làm thế nào để hiểu các chỉ số huyết áp cao?

Hai chỉ số tạo ra kết quả đo huyết áp gồm huyết áp tâm thu (số đầu tiên hoặc chỉ số trên, cho biết áp suất trong động mạch khi tim đập và bơm máu ra ngoài) và huyết áp tâm trương (số thứ hai hoặc chỉ số dưới, đọc áp lực trong động mạch giữa các nhịp đập của tim).

Xác định các chỉ số huyết áp cho người trưởng thành:

- Khỏe mạnh: Chỉ số huyết áp khỏe mạnh là dưới 120/80 mm thủy ngân (mm Hg).

- Huyết áp tăng cao: Số tâm thu là từ 120 đến 129 mm Hg và số lượng tâm trương nhỏ hơn 80 mm Hg. Các bác sĩ thường không điều trị huyết áp cao bằng thuốc. Thay vào đó, bác sĩ có thể khuyến khích thay đổi lối sống để giúp giảm huyết áp.

- Tăng huyết áp giai đoạn 1: Số tâm thu từ 130 đến 139 mm Hg, hoặc tâm trương từ 80 đến 89 mm Hg.

- Tăng huyết áp giai đoạn 2: Số tâm thu là 140 mm Hg hoặc cao hơn, hoặc số lượng tâm trương là 90 mm Hg hoặc cao hơn.

- Tăng huyết áp nghiêm trọng: Số lượng tâm thu trên 180 mm Hg, hoặc số lượng tâm trương trên 120 mm Hg. Huyết áp trong phạm vi này cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như đau ngực, nhức đầu, khó thở hoặc thay đổi thị giác khi huyết áp cao đến mức này, cần được chăm sóc y tế tại phòng cấp cứu.

Kết quả đo huyết áp được thực hiện bằng máy đo huyết áp. Để có kết quả chính xác, điều quan trọng là bạn phải có một vòng bít máy đo huyết áp phù hợp. Vòng bít không vừa vặn có thể mang lại kết quả đo không chính xác.

Lựa chọn phương pháp điều trị bệnh tăng huyết áp

Một số yếu tố giúp bác sĩ xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Những yếu tố này bao gồm loại tăng huyết áp bạn mắc và những nguyên nhân đã được xác định.

Chế độ ăn lành mạnh DASH giúp kiểm soát bệnh huyết áp cao Chế độ ăn lành mạnh DASH giúp kiểm soát bệnh huyết áp cao

VTV.vn - Gần 50% người Mỹ mắc bệnh cao huyết áp, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường, tim mạch, thận, đột quỵ và các biến chứng nghiêm trọng do COVID-19 gây ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước