Những người nói ủng hộ việc Scotland ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh ăn mừng chiến thắng. (Ảnh: BBC)
1. Cử tri Scotland đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý
Ngày 18/9 là một ngày lịch sử đối với Scotland, khi hơn 4,2 triệu cử tri từ 16 tuổi trở lên đi bỏ phiếu quyết định tương lai của nước này.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận gần nhất do Viện YouGov công bố cho thấy, số người ủng hộ độc lập đã thu hẹp khoảng cách với số người phản đối.
Sau 2 năm diễn ra các cuộc vận động bỏ phiếu của cả hai phe "có" hoặc "không", khoảnh khắc quyết định hơn 300 năm lịch sử của Scotland đã bắt đầu. Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận trước thềm trưng cầu dân ý tại Scotland đều cho thấy sự áp đảo của những người phản đối độc lập, tuy nhiên số người ủng hộ dần thu hẹp khoảng cách. Bên cạnh đó, hàng ngàn người Scotland trong số hơn 4 triệu người tham gia trưng cầu dân ý vẫn chưa quyết định cho đến khi đứng trong hàng bỏ phiếu.
2. Scotland nói “Không” với độc lập
Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng do Ủy ban Bầu cử Scotland công bố 19/9, có 55,3% cử tri vùng này đã bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được là một phần của Liên hiệp Vương quốc Anh.
Có 55,3% cử tri vùng này đã bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được là một phần của Liên hiệp Vương quốc Anh, so với 44,7% số cử tri bỏ phiếu muốn độc lập trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử này.
Số liệu chính thức cho thấy có 2.001.926 cử tri bỏ phiếu ủng hộ việc Scotland ở lại Vương quốc Anh, trong khi có 1.617.989 cử tri muốn một sự chia tách để trở thành một quốc gia độc lập. Trong cuộc trưng cầu ý dân trên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức kỷ lục là 84,6%, vượt mức 84% từng được ghi nhận trong cuộc tổng tuyển cử Anh hồi năm 1950.
Kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý đã tránh cho Vương quốc Anh bị mất một phần lớn lãnh thổ, các mỏ dầu, đồng thời khiến cho nước này không phải lo tìm căn cứ hải quân mới cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân của mình. Không những thế, Anh còn tránh được nguy cơ mất đi ảnh hưởng trong các thể chế quốc tế như là EU và Liên Hợp Quốc. Nỗi lo thấp thỏm về gánh nặng tài chính cũng vơi đi khi Scotland không ly khai khối liên hiệp.
3. Chủ tịch Trung Quốc thăm Ấn Độ
Ngày 17/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Ahmedabad, thủ phủ bang Gujarat, bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ trong ba ngày.
Sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tại Ahmedabad, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc tại Thủ đô New Delhi vào ngày 18/9.
Đây là những hoạt động chính thức trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày đến Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với trọng tâm là tăng cường hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại giữa hai nước.
4. Mỹ sẽ không đưa bộ binh tới Iraq
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 17/9 tái khẳng định lập trường về việc Mỹ sẽ không tiến hành một cuộc chiến tranh trên bộ mới tại Iraq.
Phát biểu trước các binh sĩ Mỹ tại một căn cứ quân sự ở bang Florida, ông Obama nêu rõ, lực lượng Mỹ đã được triển khai tới Iraq sẽ không có sứ mệnh chiến đấu.
Tuyên bố của ông Obama đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ khẳng định, lực lượng bộ binh Mỹ có thể được triển khai tại Iraq, nếu như chiến lược hiện tại của Mỹ chống phiến quân Hồi giáo IS không đem lại hiệu quả.
5. Mỹ sẽ chống lực lượng IS bằng các cuộc không kích
Các cuộc không kích mới của Mỹ tại Iraq là những đóng góp chung trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó Mỹ đóng vai trò trung tâm.
Tại cuộc gặp với các tướng lĩnh quân đội Mỹ diễn ra ngày 17/9 tại Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM) ở Florida, Tổng thống Obama đã khẳng định sẽ không cho phép tiến hành thêm bất cứ cuộc chiến trên bộ nào tại Iraq, mà sẽ tập trung vào các hoạt động huấn luyện và thu thập tin tức tình báo.
Kể từ đầu tháng 8 đến nay, Mỹ đã tiến hành hơn 160 cuộc không kích vào các mục tiêu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo trên lãnh thổ Iraq và đang có ý định mở rộng các cuộc không kích vào lực lượng này ở Syria.
Ngay khi cho phép tiến hành không kích phiến quân tại Iraq, ông Obama nói rằng đó là các cuộc không kích “có giới hạn” để hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq giành lại các khu vực do lực lượng IS kiểm soát.
6. Quốc hội Ukraine phê chuẩn tự trị hạn chế một số khu vực
Ngày 16/9, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn dự luật trao quyền tự trị hạn chế cho miền Đông theo đề xuất trước đó của Chính phủ nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở khu vực này.
Theo dự luật do Tổng thống Ukraine Poroshenko đề xuất và vừa được Quốc hội nước này thông qua, các khu vực Lugansk và Donetsk do lực lượng ly khai kiểm soát sẽ được trao quyền tự trị lớn hơn trong 3 năm, mở đường cho một tiến trình phân cấp chính quyền trên cả nước.
Dự luật cũng đưa ra một số quy định chính cho các khu vực trên, bao gồm ân xá cho binh sĩ của của hai phía trong cuộc xung đột kéo dài 5 tháng qua giữa các lực lượng Chính phủ và phe li khai, cho phép sử dụng tiếng Nga trong các cơ quan chính quyền và tổ chức bầu cử địa phương vào cuối năm nay.
7. Bão Kalmaegi đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc
Sáng 16/9, bão Kalmaegi đã đổ bộ vào đảo Hải Nam (cực Nam Trung Quốc), khiến nhiều chuyến bay bị hủy bỏ và tàu thuyền bè phải ngừng hoạt động. Đây là trận bão thứ 15 tại Trung Quốc trong năm nay.
Vào lúc 9 giờ 40 sáng (giờ địa phương), bão đã vào thành phố Văn Xương với vận tốc 40m/giây. Chính quyền địa phương cho biết tổng cộng 173 chuyến bay đã bị hủy. Hơn 4.300 tàu cá đã phải trở lại bờ và hơn 19.920 người phải đi sơ tán.
Bão cũng đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh tại đặc khu hành chính Hong Kong dù không trực tiếp đi qua đây.
8. Pháp khai mạc hội nghị quốc tế về IS
Ngày 15/9 tại thủ đô Paris của Pháp đã khai mạc một hội nghị quốc tế với sự tham gia của khoảng 30 quốc gia để bàn về cách thức điều phối một chiến lược nhằm đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Phát biểu mở màn hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi đưa ra một hành động đối phó toàn cầu đối với các phiến quân thuộc nhóm IS, đồng thời cho rằng IS đã gây ra một mối đe dọa an ninh đối với toàn thế giới.
Ông Hollande nhấn mạnh: "Đó là một mối đe dọa toàn cầu, nên phải có cách đối phó ở mức toàn cầu". Ông Hollande cũng cho rằng "hiện không có thời gian để thất bại" trong cuộc chiến chống các phần tử IS ở Iraq và kêu gọi có một sự hỗ trợ tổng lực để kiềm chế các phiến quân ở Syria.
Cùng ngày, Tổng thống Iraq Fuad Masum đã hối thúc nhanh chóng triển khai các cuộc không kích nhằm tiêu diệt các phần tử IS.