Một phụ nữ bị bắt gặp lái xe ở Saudi Arabia hồi năm 2013. Nhiều nhà hoạt động là phụ nữ ở nước này đã liều mình lái xe ra đường để phản đối lệnh cấm. (Ảnh: Reuters)
Sắc lệnh cho phép phụ nữ Saudi Arabia được phép lái xe được xem là sự kiện trọng đại đối với Vương quốc Arab. Theo CNN, đây là sự kiện mới nhất trong loạt thay đổi mang tính vượt bậc của Saudi Arabia kể từ sự vươn lên của Thái tử Mohammed bin Salman. Người thừa kế ngai vàng này đang tiến hành một kế hoạch đầy tham vọng để cải cách và biến đổi nền kinh tế đất nước vào năm 2030 nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Kế hoạch tái thiết nền kinh tế dựa các yếu tố chủ chốt, bao gồm nâng cao vị thế của thanh niên, tổ chức xã hội và trao quyền cho phụ nữ.
Chỉ riêng việc cho phép nữ giới được lái xe đã mở ra nhiều lợi ích kinh tế to lớn, giúp chính phủ đạt được mục tiêu tạo ra 65% GDP từ khu vực tư nhân.
Mặt khác, do không được tự điều khiển xe nên mỗi khi ra đường phụ nữ Ả Rập đều phụ thuộc hoàn toàn vào tay lái của cánh đàn ông trong gia đình hoặc bỏ tiền thuê tài xế riêng, chủ yếu là lao động nước ngoài lên tới 1,4 triệu người. Do đó, khi phụ nữ tự lái xe, họ sẽ có thể tiết kiệm được 1.000 USD mỗi tháng tiền thuê tài xế riêng. Và dĩ nhiên, số tiền khổng lồ này sẽ ở lại trong nước.
Hiện tại, chỉ có 22% nữ giới Saudi Arabia tham gia vào lực lượng lao động. Tầm nhìn 2030 phấn đấu nâng con số này lên 30%. Ngành tài chính thu hút nhiều lao động nữ nhất. Và sắp tới, nữ giới còn có thể làm tài xế.
Ứng dụng gọi xe Careem tại Arab - tương tự như Uber ở các nước cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ sắc lệnh này. Công ty này hiện có hơn 80.000 tài xế trên cả nước và dự định sẽ tuyển dụng thêm 20.000 tài xế là nữ trong vòng 4 năm tới.
Sắp tới, phụ nữ Arab không chỉ tự tin lái xe ra đường, mà họ sẽ là một phần đóng góp quan trọng để lèo lái nền kinh tế của quốc gia giàu có này tiếp tục tăng trưởng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!