Hiện nay, các chuyến bay đang thải ra hơn 1 tỷ tấn carbon mỗi năm, chiếm 2,5 - 3% lượng khí thải toàn cầu. Khí thải hàng không là một trong những yếu tố dẫn tới biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, ngành hàng không toàn cầu đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đạt giảm phát thải như sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững và phát triển động cơ máy bay thân thiện với môi trường.
Một cột mốc đáng nhớ đã được thiết lập cuối năm ngoái, khi hãng hàng không Virgin Atlantic của tỷ phú Richard Branson thực hiện thành công chuyến bay đường dài đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). SAF có thể được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp hoặc dầu thải đã qua sử dụng tại các nhà hàng, có mức phát thải carbon thấp hơn 70% so với nhiên liệu máy bay làm từ dầu mỏ.
Thách thức lớn với các doanh nghiệp trong ngành là hiện mới có 0,1% số chuyến bay toàn cầu sử dụng nhiên liệu này, do sản lượng thấp và chi phí sản xuất cao.
Bà Holly Boyd-Boland (Phó Chủ tịch Virgin Atlantic) cho biết: "Tôi nghĩ thách thức với nhiên liệu hàng không bền vững là nó đòi hỏi khoản đầu tư lớn, sự đổi mới và sự tham gia của các nhân tố trong chuỗi giá trị. Những gì chúng tôi làm với chuyến bay này cho thấy có thể sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững cho các động cơ, khung máy bay và cơ sở hạ tầng nhiên liệu hiện có. Nhưng thách thức phía trước thực sự là việc mở rộng quy mô, đủ để chúng ta sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững hơn mỗi ngày".
Ngành hàng không vẫn đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các đổi mới công nghệ, không chỉ dừng lại ở việc thay thế nhiên liệu mà còn tập trung phát triển các động cơ mới, thân thiện hơn với môi trường.
Nhiều hãng hàng không hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 (Ảnh: SN)
Ông Laurent Bibizeu - Giám đốc công nghệ Công ty Aerospace Valley - cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng chứng minh các cách tốt nhất để kết hợp năng lượng nhiệt và điện để tiết kiệm năng lượng nhất có thể. Ở đây chúng ta đang nói về việc loại bỏ carbon trong ngành hàng không. Chúng tôi không nói về những chuyến bay không carbon, chúng tôi vẫn đốt nhiên liệu để máy bay bay. Nhưng chúng tôi đốt cháy ít nhiên liệu hơn cho cùng một hành trình".
Ông Jean-Baptiste Loiselet - nhà sáng lập Dự án máy bay điện "Những đôi cánh vì hành tinh" - nói: "Có thể bay mà không phát thải? Tôi đã dành 4 năm rưỡi để chế tạo một chiếc máy bay đạt hơn 150 giờ bay mà chưa bao giờ phải cắm sạc".
Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch ước tính giá vé máy bay sẽ phải tăng tới 22% vào năm 2050 mới đủ để trang trải chi phí cho quá trình khử carbon của ngành hàng không. Mức tăng như vậy chắc chắn sẽ khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy e ngại hơn. Điều này đòi hỏi các chính phủ và ngành hàng thế giới không phải có một lộ trình phù hợp.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng, dù còn nhiều rào cản, những nỗ lực xanh hóa lĩnh vực hàng không sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và tiếp sức cho cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!