Nỗi lo COVID-19 bùng phát vượt tầm kiểm soát tại châu Âu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 18/10/2020 11:48 GMT+7

VTV.vn - Một mùa đông dài và ảm đạm tại châu Âu với COVID-19 đi vào giai đoạn cao điểm mới.

Mới vào đầu mùa thu, tình hình dịch bệnh đã thay đổi chóng mặt tại khu vực châu Âu theo một cách không ai mong muốn. Số ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày riêng tại khu vực đang chiếm 1/3 toàn cầu. Hơn 700 nghìn ca nhiễm mới chỉ trong 7 ngày. Nhiều dấu hiệu vượt quá tầm kiểm soát, các quốc gia lại rục rịch tiến hành giới nghiêm và phong tỏa.

Dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát trên diện rộng tại châu Âu

Cũng những ngày này nửa năm về trước, châu Âu đã chứng kiến một đợt đỉnh điểm dịch với khoảng 100 nghìn ca mới mỗi ngày. Người dân châu Âu lần đầu tiên biết đến giãn cách xã hội, giới nghiêm sau cả mấy thập kỷ tính từ chiến tranh thế giới. Mùa hè dường như đã khiến mọi thứ bớt căng thẳng hơn, cho đến cách đây 1 - 2 tuần.

Một đợt bùng dịch lớn, trên diện rộng, có phần nhanh chóng đến mức bất ngờ tại các quốc gia khu vực. Một mùa đông dài và ảm đạm tại châu Âu với COVID-19 đi vào giai đoạn cao điểm mới. Nỗi lo cũng không chỉ từ thời tiết. Việc phòng dịch liệu còn hiệu quả khi tâm lý người dân châu Âu cũng đã khác giai đoạn đầu.

Nỗi lo COVID-19 bùng phát vượt tầm kiểm soát tại châu Âu - Ảnh 1.

Người dân đã ý thức đeo khẩu trang khi ra đường để phòng chống lây lan COVID-19 (Ảnh: AP)

Nhìn trên bản đồ COVID-19 thế giới, số ca nhiễm hiện đã lên đến 40 triệu. Mỹ và Ấn Độ vẫn là những điểm dịch căng thẳng nhất. Tuy nhiên, tình hình tại châu Âu gần đây lại khiến nhiều người lo ngại hơn khi tổng số ca nhiễm đã vượt quá 6,5 triệu người.

Nga ghi nhận số ca nhiễm bệnh cao nhất khu vực, với hơn 1,3 triệu người. Tiếp theo là Tây Ban Nha, với gần 1 triệu ca. Số người nhiễm mới mỗi ngày tại Pháp đang cao bất thường, lên đến hơn 30 nghìn người, tổng số ca nhiễm nước này cũng đã vượt 800 nghìn. Dịch bệnh cũng đang tăng nhanh tại một số quốc gia như Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech, Bỉ, Italy...

Áp lực tăng cao khiến một lần nữa, các chính quyền ở châu Âu lại phải tính giải pháp chẳng ai muốn là phong toả. Quy định giãn cách xã hội và giới nghiêm được nhanh chóng thiết lập lại ở nhiều nơi. Lần này, các quyết sách ứng phó không còn phải nâng lên đặt xuống, bàn ra bàn vào nhiều như đợt đầu vì kinh nghiệm từ đợt dịch hồi đầu năm cho thấy cũng không còn cách nào tốt hơn. Người dân vốn đã từng có trải nghiệm và có đôi chút được làm quen. Nhưng quen rồi, không có nghĩa là họ sẵn sàng làm mãi. Tâm lý chán nản với chống dịch cũng đã xuất hiện và được cho là yếu tố đáng ngại trong nỗ lực kiềm chế với đợt bùng phát mới này.

Thượng đỉnh châu Âu nhất trí cơ chế phối hợp tổng thể phòng chống dịch

Xác định tình hình là nghiêm trọng chưa từng có, lãnh đạo châu Âu cũng đã thảo luận và thống nhất được những cơ chế phối hợp tổng thể ở cấp độ toàn Liên minh, trong lần ứng phó khẩn cấp thứ hai này.

Các nước châu Âu đã thống nhất được các tiêu chí xác định cấp độ dịch, quy định kiểm dịch, quy trình xét nghiệm để các tiêu chí được áp dụng như nhau và được hiểu theo một cách giống nhau tại tất cả các nước. Quy trình xét nghiệm thống nhất cũng có nghĩa là các nước công nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Nhưng các nước còn chưa thống nhất được về phương pháp truy vết từ nước này sang nước khác và thời hạn cách ly.

Lãnh đạo châu Âu nhất trí về nguyên tắc, ủy quyền cho Uỷ ban châu Âu điều phối chiến lược tiêm chủng một cách đồng bộ và nhất quán ở tất cả các nước thành viên, chuẩn bị điều kiện thiết bị và nhân lực cần thiết ngay từ bây giờ để có thể triển khai ngay lập tức bất cứ khi nào có được vaccine, sao cho mọi công dân châu Âu đều được tiêm chủng và miễn phí.

Nỗi lo COVID-19 bùng phát vượt tầm kiểm soát tại châu Âu - Ảnh 2.

Có quá nhiều vấn đề khẩn cấp, Hội nghị thượng đỉnh châu Âu buộc phải tổ chức trực tiếp (Ảnh: AP)

Các giải pháp về giãn cách và truy vết mới thống nhất được hy vọng sẽ giúp làm chậm lại quá trình lây lan hiện nay của dịch bệnh, trong bối cảnh số giường bệnh đã đầy, y bác sỹ đã quá tải, thậm chí một phần lớn giường dành cho cấp cứu, giờ cũng phải chuyển sang hỗ trợ các ca COVID-19. Mọi nỗ lực lúc này dường như chỉ nhằm giảm thiểu thiệt hại, chờ đến ngày người dân có thể tiêm vaccine.

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vừa kết thúc thậm chí cũng đã thống nhất luôn kế hoạch chuẩn bị tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng, để khi có vaccine là có thể triển khai được lập tức và đồng bộ tại tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.

Thực tế cho thấy, việc cố gắng kiểm soát dịch bệnh khi đã bùng phát mạnh khó mà hiệu quả triệt để. Một khi dịch đã bùng lên, tình huống giống như cháy lan đến đâu cố dập lửa đến đấy. Do đó, không có gì quan trọng hơn việc phòng ngừa một cách có chuẩn bị, có bài bản, hệ thống.

Thực tế đối phó dịch bệnh từ gần 10 tháng nay trên thế giới cũng cho thấy, cách ly, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người... là những biện pháp tối ưu để ngăn ngừa dịch. Ứng phó dịch bệnh với các biện pháp này cần có sự hợp tác một cách chủ động từ mỗi người dân. Hành xử của người dân trong lúc này đóng vai trò quan trọng không kém gì các quyết định chính sách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước