Theo các cuộc thăm dò dư luận kể từ năm 2021, đảng Bảo thủ trung hữu cầm quyền đã mất dần sự ủng hộ của cử tri. Công đảng Anh theo đường lối trung tả đang có nhiều cơ hội trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh sẽ diễn ra vào ngày 4/7.
NƯỚC ANH TRƯỚC NGÀY BẦU CỬ NGHỊ SỸ QUỐC HỘI
Không khí bi quan bao trùm chiến dịch tranh cử vừa kết thúc. Dù tỷ lệ lạm phát đã giảm nhiều, tình hình kinh tế được cải thiện nhưng nhiều vấn đề xã hội vẫn bị bế tắc. Chiến dịch tranh cử xoay quanh 3 chủ đề chính gồm chăm sóc y tế, sức mua - thuế khóa và nhập cư trái phép.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak - Chủ tịch đảng Bảo thủ - tuyên bố: "Tôi biết nhiều người đã từng ủng hộ chúng tôi nay do dự. Tôi biết mọi người thất vọng về tôi và về đảng của chúng tôi. Những năm vừa qua đã không dễ dàng đối với bất kỳ ai. Tôi hiểu không phải lúc nào chúng tôi cũng làm đúng, chúng tôi cũng đã phạm sai lầm. Tôi hiểu được nỗi thất vọng bây giờ, nhưng cuộc bầu cử này là để chọn người lãnh đạo đất nước trong nhiều năm tới".
Dù các đảng ra tranh cử đều tránh nói về Brexit nhưng thực tế là nhiều vấn đề đã không được cải thiện, thậm chí tồi tệ hơn kể từ khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Hệ thống chăm sóc y tế miễn phí của nước Anh ngày càng quá tải. Việc đặt hẹn khám, chữa bệnh phải chờ cả tháng mới đến lượt, có khi tới một năm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu bác sĩ và y tá, trong khi nhân viên y tế từ các nước Liên minh châu Âu không còn được tự do sang Anh làm việc.
Cuộc tranh luận trên truyền hình trực tiếp giữa lãnh đạo đảng Lao động đối lập chính của Anh Keir Starmer và Thủ tướng Anh - lãnh đạo đảng Bảo thủ Rishi Sunak tại Nottingham, ngày 26/6 (Ảnh: AFP)
Lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Anh tiếp tục gia tăng - trái với kỳ vọng của những người đã từng nghĩ rằng sau khi rời bỏ Liên minh châu Âu, dòng người di cư tới Anh sẽ bị cắt đứt.
Việc tách khỏi thị trường chung châu Âu đã tác động bất lợi tới doanh nghiệp Anh và gián tiếp ảnh hưởng tới sức mua của người dân Anh.
Ông Keis Starmer - Chủ tịch Công đảng Anh - phát biểu: "Công cuộc tái thiết phải bắt đầu bằng những lựa chọn mới về tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi muốn được người Anh tin tưởng giao nhiệm vụ phát triển kinh tế theo cách khác. Cách thức tạo ra của cải lúc này đang làm cho nhiều người cảm thấy bất an. Chúng tôi mong có thể cải cách cho đến khi tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho những người làm việc chăm chỉ".
Các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu đều cho thấy Công đảng Anh đang vượt lên và bỏ xa đảng Bảo thủ. Công đảng đã thất cử liên tiếp trong 4 kỳ bầu cử trước đây, trong suốt 14 năm qua ở vị thế đảng đối lập. Hiện nhiều cử tri Anh cho rằng Công đảng là lựa chọn tốt hơn với một cách điều hành đất nước khác với những gì đã diễn ra trong 14 năm qua.
CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ TRONG CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ TẠI ANH
Nhập cư vào Anh luôn luôn là vấn đề lớn, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới Brexit. Đảng Bảo thủ cầm quyền cam kết sẽ giảm một nửa lượng nhập cư hợp pháp vào Anh và mạnh tay đối với nhập cư bất hợp pháp. Chính phủ của đảng Bảo thủ thậm chí đã thuê một nước châu Phi tiếp nhận và phân loại người nước ngoài trốn vào Anh.
Người biểu tình chờ bên ngoài cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp giữa Thủ tướng Anh và lãnh đạo Đảng Bảo thủ Rishi Sunak, lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer (Ảnh: AFP)
Ở phía đối lập, Công đảng cũng cam kết giảm lượng người nhập cư nhưng không nói là giảm tới mức nào. Đảng có đường lối cứng rắn nhất đối với nhập cư là đảng cực hữu Cải cách. Tuy nhiên đảng này khó có thể tác động đáng kể do tại Anh, truyền thống lưỡng đảng vẫn rất mạnh, hai đảng lớn thay nhau nắm quyền, các đảng nhỏ rất ít sức nặng trong xây dựng chính sách.
TƯƠNG QUAN CÁC ĐẢNG TRONG CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ TẠI ANH
Thăm dò dư luận cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ đứng vị trí thứ 2 với khoảng cách rất xa so với Công đảng ở vị trí thứ nhất. Tỷ lệ ủng hộ Công đảng ổn định ở mức trên 40% suốt cả năm qua. Công đảng có lợi thế của đảng đối lập chính - 14 năm nay không nắm quyền quyết sách, không quyết thì chắc chắn là không sai.
Đứng thứ ba là đảng Cải cách cực hữu và chống nhập cư. Chi tiết đặc biệt là đảng Dân chủ Tự do - ủng hộ tự do kinh tế, giảm bớt luật lệ đối với doanh nghiệp - lại đứng sau đảng cực hữu. Đảng Dân chủ tự do tuy đứng thứ tư nhưng vẫn có khả năng tham chính nếu đảng về đầu không có đa số tuyệt đối và cần thêm đồng minh.
Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 4/7 cũng sẽ ngay lập tức được đưa lên vũ đài thế giới, phải giải quyết các vấn đề cấp bách về chính sách đối ngoại và quốc phòng, từ các cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Đông cho đến căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về vấn đề này, trong khi đảng Bảo thủ chủ trương thúc đẩy "xu hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" với tham vọng để Anh trở thành "đối tác châu Âu có sự hiện diện rộng rãi và tích hợp nhất" tại châu Á, Công đảng thậm chí còn không đề cập đến từ "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" trong bản tuyên ngôn tranh cử.
Do đó, sự thay đổi tương quan trong Quốc hội Anh có thể sẽ có những tác động nhất định đến các chiến lược với khu vực này trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!